HOTLINE

Nhiễm trùng đường tiểu trẻ em

Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em, với khoảng 8% trẻ gái và 2% trẻ trai có ít nhất một đợt nhiễm trùng đường tiểu cho đến 7 tuổi.

 

post_Benh_ly_nhiem_trung_duong_tiet_nieu_baiviet_1940x958

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu

  • Đau hay nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn bình thường
  • Tiểu són
  • Nước tiểu hôi, đục hay có máu
  • Sốt
  • Đau vùng bụng dưới hoặc đau vùng hông lưng

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường tiểu thường biểu hiện các triệu chứng không điển hình như sốt, ói, ăn uống kém, đừ hay khó chịu bứt rứt, quấy khóc bất thường.

Phân loại theo vị trí nhiễm trùng

Có 2 loại cơ bản gồm:

  • Viêm bàng quang (nhiễm trùng đường tiểu dưới): là tình trạng viêm niêm mạc bàng quang. Triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác đau hay rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp, tiểu dầm (ở trẻ trước đã được huấn luyện đi tiểu), đau bụng, đau hay cảm giác khó chịu trên xương mu.
  • Viêm thận bể thận (nhiễm trùng đường tiểu trên): là nhiễm trùng lan tỏa bể thận và nhu mô thận với các triệu chứng như sốt cao, có thể kèm run lạnh, mệt mỏi, đau bụng hay đau lưng phía thận bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán và điều trị

Theo Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh, chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể gây nguy hiểm cho bé. Vì vậy cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi thấy con bạn có các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu như đã đề cập ở trên.

Bác sĩ Nhi khoa sẽ cần xét nghiệm nước tiểu của trẻ trước khi đưa ra quyết định điều trị. Họ cũng có thể điều chỉnh điều trị tùy thuộc vào diễn tiến/đáp ứng điều trị và loại vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu của con bạn.

Nhiễm trùng đường tiểu có thể phòng ngừa?

Bạn có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu cho trẻ nếu bạn:

  • Đảm bảo trẻ uống nhiều nước
  • Khuyến khích trẻ đi vệ sinh ngay khi mắc tiểu, không nên nhịn tiểu. Cần phải tiểu càng “sạch” bàng quang càng tốt (trẻ thường có xu hướng ngưng tiểu nửa chừng vì ham chơi hay muốn quay lại công việc đang làm lỡ dở trước đó)
  • Dạy trẻ gái vệ sinh đúng cách sau khi đi vệ sinh – lau từ trước ra sau
  • Tránh táo bón.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh, bác sĩ chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

 

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3