HOTLINE

6 thói quen ngày nắng nóng có thể gây đột quỵ

Tắm ngay sau khi đi nắng, để nhiệt độ hòa quá thấp, quạt thẳng vào người, uống nước đá quá lạnh ngay sau khi đi nắng... là những thói quen xấu có thể gây đột quỵ trong ngày nắng nóng.

 

BS.CKI Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: “Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thường gia tăng vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, trời oi bức. Bởi thời điểm này, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi dẫn đến việc mất đi một lượng nước khá lớn khiến nồng độ nước trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ ”

Dưới đây là những thói quen trong ngày nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

 

Tắm ngay khi vừa đi nắng về

Sau khi hoạt động ngoài trời cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi gây khó chịu, chúng ta thường có thói quen đi tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà, đây là một thói quen xấu mà nhiều người hay mắc phải.

Việc tắm ngay khi ở ngoài nắng về sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột, lỗ chân lông và vi mạch dưới da co lại, từ đó làm cản trở quá trình tuần hoàn máu, dẫn đến hiện tượng cảm lạnh.

 

 

"Thậm chí, điều này còn gây ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp và kéo theo tình trạng đột quỵ ngay sau đó. Vậy nên, để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe thì nên bạn ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút sau khi đi ngoài nắng về để thân nhiệt ổn định lại, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân", bác sĩ Thuận chia sẻ.

Cùng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết khi mới đi ngoài trời nắng về, cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, thấm vào quần áo, tạo cảm giác khó chịu, bức bối. Nếu tắm ngay lúc này sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mồ hôi không thoát được ra ngoài làm giảm thân nhiệt, dễ gây cảm lạnh.

Tương tự, sau khi tập thể thao cũng không nên tắm nước lạnh ngay, các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt, cơ thể gặp nước lạnh, mạch máu bên ngoài tự động co lại, làm cho huyết áp tăng lên, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

 

Để quạt hoặc điều hòa thổi thẳng vào người

Nhiệt độ tăng vào ngày hè khiến cơ thể cảm thấy nóng bức, lúc này sự hỗ trợ của quạt máy hay điều hòa là điều mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại có thói quen ngồi trực tiếp dưới điều hòa hay quạt máy để làm mát nhanh chóng. Theo bác sĩ Thuận đây là một thói quen không tốt, bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt. Nếu để những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa ổn định.

Chính điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả là sau khi đứng dậy, bạn sẽ rất dễ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ ngay tại chỗ.

 

Để nhiệt độ điều hòa quá thấp

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, chúng ta không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp. Bởi việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp, có thể gây choáng váng.

Khi ở phòng điều hòa, nhiệt độ không đủ cao để mồ hôi bốc hơi, do đó mồ hôi dễ thấm ngược lại và gây cảm lạnh. Mạch máu có thể bị co đột ngột dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

 

Uống nước đá quá lạnh ngay sau đi nắng

Uống một ly nước đá lạnh hay ăn một chiếc kem khi đi từ bên ngoài trời nắng về có thể giúp bạn giải nhiệt ngay tức khắc, nhưng sau đó lại làm thân nhiệt của bạn thay đổi và dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ.

Tốt hơn hết bạn nên về nhà ngồi nghỉ và lấy một cốc nước mát uống từ từ để giải khát và trung hòa thân nhiệt.

 

 

Ít uống nước

Mất nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ khi trời nắng nóng, đặc biệt với người lớn tuổi. Chúng ta nên uống đủ nước mỗi ngày, nếu hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, làm việc dưới ánh nắng, bạn cần uống nhiều nước hơn để bù vào phần nhiệt đã mất.

 

Hoạt động thể chất quá mức

Làm việc hoặc hoạt động thể chất quá mức cũng là thói quen dễ dẫn tới đột quỵ khi trời nắng. Bởi những hoạt động này đều khiến cơ thể mất nước, dễ say nắng. Đặc biệt với người bệnh mắc các bệnh lý dẫn đến nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não, nguy cơ bị đột quỵ lại càng cao.

 

Phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng

Theo bác sĩ Thuận, chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng bằng những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt (10h - 16h), đặc biệt là người lớn tuổi. Khi dùng điều hòa, nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch không quá 7 độ C. Che chắn, chống nắng cẩn thận khi đi ngoài trời.

 

Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày (1,5 - 2 lít/ngày đối với người bình thường và 2,7 - 3,7 lít/ngày đối với nam giới hoặc người hoạt động thể chất thường xuyên)

 

Hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc tập luyện quá sức. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt là các dấu hiệu nhận biết đột quỵ, bạn cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: Báo Thanh niên

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3