HOTLINE

7 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GIÃN DÂY CHẰNG

Dây chằng là một trong những thành phần không thể thiếu được của cơ thể người. Nhờ có sự tồn tại của bộ phận này mà cơ thể chúng ta mới di chuyển và vận động được. Vậy thì chức năng dây chằng là gì? Có mấy loại dây chằng trong cơ thể người?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Võ Văn Mẫn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Giãn dây chằng là gì?

Dây chằng là dải phần mềm trong cơ thể kết nối các xương với nhau, có cấu tạo đến 80% là nước, 20 % còn lại là các mô sợi collagen. Đặc tính của dây chằng mang tính chất của collagen nên nó mang tính dẻo dai và có tính đàn hồi cao. Dây chằng có nhiệm vụ kết nối các khớp xương, cố định và bảo vệ đầu khớp.

Dây chằng mang tính chất co giãn nên tương ứng với đó sẽ có những lúc dây chằng co quá mức, gây đau, làm cứng lại các khớp không thể cử động. Còn khi dây chằng bị dãn quá mức thì lại làm khớp lỏng lẻo, không vững chắc. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề giãn dây chằng.

Giãn dây chằng hay dân gian còn gọi là bong gân. là tình trạng dây chằng bị căng, kéo giãn quá mức nhưng không đứt hoàn toàn. Lúc mới chấn thương, vùng giãn dây chằng bị đau rất nhiều kèm dấu hiệu sưng nóng. Theo thời gian, cơn đau sẽ giảm dần và hết. Thông thường các dây chằng sẽ tự lành về bình thường, một số trường hợp khác vì tổn thương dây chằng nặng nề hơn nên để lại di chứng lỏng lẻo khớp.

 

Nguyên nhân phổ biến gây giãn dây chằng:

Chấn thương trong tập luyện thể thao là nguyên nhân thường gặp nhất. Sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh, bạn quay lại với tập luyện nhưng chưa khởi động kỹ càng và có những động tác xoay, vặn tay, chân hay thân người đột ngột, nhảy cao rồi xuống tiếp đất trong tư thế sai hoặc bằng chân không thuận, dùng tay chống đỡ khi trượt té… dễ gây giãn dây chằng.

Lao động quá sức cũng dễ gặp phải tình trạng giãn dây chằng, đặc biệt các ngành nghề thường xuyên khuân vác hoặc bưng bê đồ vật nặng sẽ làm hệ thống dây chằng bị kéo căng liên tục.

Tai nạn giao thông hoặc trong sinh hoạt hằng ngày dẫn tới các trường hợp té ngã, va đập mạnh gây căng cơ và làm giãn dây chằng.

Một số nguyên nhân chủ quan như tuổi tác và một số bệnh lý về xương khớp làm tăng nguy cơ giãn dây chằng. Đặc biệt là với các đối tượng người cao tuổi, thành phần Collagen trong dây chằng bị suy giảm về số lượng lẫn chất lượng cũng như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm hoặc thoái hóa khớp…

 

Các vị trí giãn dây chằng và dấu hiệu:

Người bệnh khi tới khám bệnh với các dấu hiệu đau, sưng tại vị trí mà dây chằng giãn, thông thường là tại các khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp cổ chân. Những ngày đầu thường đau nhiều kèm thấy sưng nơi bị dây chằng bị giãn. Các triệu chứng về sau thì thường là lỏng các khớp do các dây chằng giãn nên không giữ được cổ tay.

 

Cách xử trí khi bị tổn thương dây chằng:

Giãn dây chằng nếu không nhận biết và điều trị đúng mức có thể dẫn đến các các di chứng về sau như lỏng khớp, thoái hóa khớp sớm và còn làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.

Vì vậy với những người bị giãn dây chằng sau khi chấn thương, người bệnh cần được tránh vận động các khớp nhiều và thông thường được cố định bằng các loại nẹp vải. Thời gian nẹp có thể 3 – 4 tuần tùy theo mức độ tổn thương cụ thể.

Nghỉ ngơi và hạn chế vận động nhất có thể.

 

Lưu ý:

Không nên dùng các loại cao chườm nóng, vì có thể khiến vùng tổn thương sưng hoặc phù nề. Cách tốt nhất là chườm lạnh, chườm đá trong vòng 48 giờ đầu để làm dịu vết thương, giảm đau, giúp người bệnh cử động tốt hơn.

Tuyệt đối không nên tự điều trị giãn dây chằng bằng các phương pháp dân gian truyền miệng chưa kiểm chứng như đắp lá, dán cao. Hãy đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác.

 

Chẩn đoán giãn dây chằng bằng cách nào?

Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên việc thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng như:

  • Chụp X – quang để phát hiện tình trạng gãy xương, rạn nứt xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI  có thể cho thấy hình ảnh giãn hoặc đứt dây chằng, phát hiện các bất thường ở sụn, bao hoạt dịch khớp và các tổn thương cơ, gân, mô mềm.
 

Một số biện pháp bảo vệ an toàn dây chằng:

  • Duy trì chế độ luyện tập thường xuyên để tăng cường độ bền, độ dẻo dai của các dây chằng.
  • Cần tập khởi động trước khi tập các bài tập nặng hơn hoặc làm việc nặng.
  • Hạn chế những tư thế sai có thể ảnh hưởng xấu đến dây chằng. Chẳng hạn như khuân vác vật nặng, ngồi xổm, ngồi chéo chân, quỳ gối…
  • Chọn loại giày có kích thước vừa vặn trong các hoạt động thể thao.
  • Bảo vệ khớp gối kỹ càng hơn vì nơi đây rất dễ bị tổn thương.
  • Không nên vận động quá sức, chẳng hạn như chạy bộ, đá bóng, bóng chuyền…
  • Nên nghỉ ngơi khi cơ khớp bị mỏi.
 

Các phương pháp điều trị:

Giãn dây chằng có thể tự hồi phục sau 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, nếu dây chằng bị tổn thương nặng cần phải điều trị lâu hơn. Dưới đây là các cách điều trị giãn dây chằng phổ biến:

  • Sử dụng thuốc đường uống và đường tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, chủ yếu được áp dụng đối với các vận động viên, người có nhu cầu vận động cao.
  • Vật lý trị liệu, đây là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hay phẫu thuật, các chuyên viên sẽ thiết kế và hướng dẫn các bài tập riêng cho tình trạng của từng bệnh nhân để tăng cường sức mạnh các nhóm cơ, tránh teo cơ, duy trì thể lực và khôi phục khả năng vận động vốn có.
 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3