HOTLINE

BÁC SĨ CHIA SẺ CÁCH BẢO VỆ DA TRƯỚC NẮNG NÓNG GAY GẮT

Dưới tác động của nắng nóng gay gắt cộng với việc bảo vệ da chưa đúng cách đã khiến nhiều người mắc phải hiện tượng da bị đỏ, phỏng rộp nước và xuất hiện những đốm nâu do tăng sắc tố da.

 

Những lời khuyên của BS.CKI Trần Huyền Trâm - Bác sĩ chuyên khoa Da liễu, Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn sẽ giúp ích cho làn da của bạn trong thời tiết nắng nóng

 


 

Da xuất hiện nhiều bất thường vào mùa nắng nóng gay gắt: 

Bác sĩ Trần Huyền Trâm cho biết: Nhiệt độ tăng cao trong tháng hè kết hợp với độ ẩm cao, và khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cường độ cao khiến tuyến bã nhờn trên mặt tiết ra rất nhiều, làm khuôn mặt lúc nào trông cũng trong tình trạng đổ dầu nhờn thậm chí gây ra hay làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá sẵn có. Bên cạnh đó, khi chỉ số UV cao có thể gây bỏng nắng, đỏ rát và nám da, nghiêm trọng hơn về lâu dài có thể dẫn đến ung thư da. Đặc biệt tiếp xúc nắng nóng liên tục với cường độ cao những người làm việc ngoài trời sẽ chịu nhiều tác hại của tia UV không chỉ gây đen da như chúng ta thường nghĩ, mà bỏng nắng chính là tình trạng đáng được lưu tâm.

 

 

Hiện tượng da bị đỏ, phỏng rộp nước và sau đó xuất hiện những đốm nâu trên da là do da tiếp xúc lâu dưới ánh nắng mặt trời mà không được che chắn, bảo vệ gây nên hiện tượng bỏng nắng.

 

Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện nhanh trong vòng 11 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc da có thể đỏ lên trong vòng 2 - 6 giờ sau đó. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 - 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành. Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, những trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời để khôi phục hàng rào bảo vệ da và tránh các biến chứng.

 

Ngứa, nổi mụn nước, sắc tố da bất thường thì nên đi khám: 

Một tình trạng thường gặp đối với làn da sau khi tiếp xúc lâu với ánh mặt trời là sự xuất hiện của các đốm nâu trên da. Các đốm nâu trên da là một dạng tăng sắc tố do tiếp xúc với tia cực tím. Cụ thể hơn, sau khi làn da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ kích thích việc sản xuất melanin. Sau một thời gian dài, sắc tố này bị sản sinh quá mức; hình thành nên những đốm nâu trên da. Bác sĩ Huyền Trâm cũng cho biết: Đáng lo ngại hơn, những trường hợp tiếp xúc với tia UV trong một thời gian dài có thể phải đối mặt với nguy cơ ung thư da. Cụ thể là tia UV có trong ánh nắng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da, dẫn tới bệnh dày sừng ánh nắng và tăng nguy cơ phát triển thành ung thư tế bào gai. Tuy nhiên nếu xuất hiện những đốm nâu trên tay hoặc mặt, người bệnh cũng không nên quá lo lắng, nếu cảm thấy ngứa thì có thể thoa dưỡng ẩm vào buổi sáng và tối. Nếu không có triệu chứng gì thì lớp da sẽ theo thời gian thay mới, mảng sắc tố này cũng sẽ mất đi, nếu có triệu chứng ngứa, nổi mụn nước, sắc tố da bất thường không thay đổi theo thời gian thì nên đi khám chuyên khoa da liễu.

 

Bảo vệ làn da trước nắng nóng gay gắt: 

Các đốm nâu xuất hiện trên da sau khi đi nắng, hoặc chứng tăng sắc tố có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chúng thường vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên để tránh tình trạng bỏng nắng, lời khuyên dành cho những người làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời như sau: 

  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và chống nắng phổ rộng (chống cả UVA và UVB). 
  • Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, ngay cả khi mặt trời không chói chang. Sử dụng kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.
  • Thoa dặm lại kem chống nắng thường xuyên, đặc biệt nếu hoạt động ngoài trời nhiều hoặc sau các hoạt động ra mồ hôi nhiều.
  • Đội mũ rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ da thêm.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp không có bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian tia UV chiếu cực đại, khoảng từ 10 -16 giờ.
  • Chế độ ăn bổ sung nhiều rau, hoa quả tươi, các thực phẩm giàu vitamin A, E, C, omega-3, selen, để tăng cường khả năng bảo vệ da từ bên trong
  • Cần uống nước lọc đầy đủ, tối thiểu 2 lít/ngày để bù nước. 

 

Với nam giới thường ngại bôi kem chống nắng có màu trắng thì có thể sử dụng loại kem chống nắng không màu, trong suốt... Ngoài ra, nam giới cũng cần mang khẩu trang, áo khoác dày để chống nắng, không nên mặc quần áo cộc, để đầu trần khi đi ra ngoài nắng vì rất dễ bị bỏng nắng.

 

Để chăm sóc vùng da bỏng nắng, theo bác sĩ Trâm chúng ta nên làm mát da ngay sau đó và lau khô bằng khăn mềm. Có thể đắp dưa leo hoặc các chất dưỡng ẩm giúp cung cấp nước và làm dịu da. Trường hợp da đỏ, không ngứa có thể thoa dầu kẽm, dầu mù u, thuốc chứa dexpanthenol.

 

Một số trường hợp bị bỏng nắng, vùng da tổn thương thường rất rộng và lan tỏa nhanh, da xuất hiện nhiều bọng nước và một số triệu chứng như buồn nôn, sốc nhiệt, mệt mỏi,… Tình trạng này nguy hiểm hơn cháy nắng và bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt, tránh để gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

 

Khi có bất kỳ vấn đề về da hay sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi có thể gây tác dụng ngược và nhiều hậu quả đáng tiếc khác.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3