HOTLINE

BỆNH COVID CÓ ĐÁNG SỢ?

 

Bệnh COVID do vi rút SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Vi rút cũng có khả năng lây truyền cao những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, vi rút cũng liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn. Đặc biệt là biến thể Delta như hiện nay có xác xuất lây nhiễm hơn biến thể Alpha là 50%.

Hình minh họa.

 

Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của “cơn bão cytokine” và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là 5K, tiêm phòng vắc xin, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng

Thời gian ủ bệnh: từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày.

Khởi phát: Thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy, rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Theo nhiều thống kê trong và ngoài nước, 80% bệnh chỉ có sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, thường tự hồi phục sau khoảng một tuần hoặc không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Do vậy khi có kết quả xét nghiệm nhiễm vi rút SARS-CoV-2 chúng ta không nên quá lo lắng, hết sức bình tĩnh giữ cho cơ thể khỏe mạnh với tinh thần lạc quan, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đồng thời báo cho Cơ quan y tế địa phương để quản lý và hỗ trợ kịp thời.

Dưới 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Trong đó chỉ khoảng 3-5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái) hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có diễn tiến nặng, hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Người bệnh sẽ được làm lại xét nghiệm RT- PCR dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế để biết chắc hết bệnh và không còn khả năng lây nhiễm.

Chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của COVID-19 ở phụ nữ mang thai.

Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng.

Một số rất ít người bệnh có biến chứng mất mùi, giảm mùi hoặc nghe kém. Những biến chứng này thường hồi phục sau 6 tháng hoặc 1 năm hoặc có thể lâu hơn.

Tên tác giả/ nguồn bài viết:

Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3