HOTLINE

CÁCH PHÒNG NGỪA VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP

Viêm đường hô hấp là một bệnh lý phổ biến, bệnh có xu hướng gia tăng theo mùa với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nếu chủ quan, không phòng ngừa hoặc không điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang tăng trở lại thì phòng bệnh viêm đường hô hấp là rất cần thiết.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Thuận - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn sẽ chia sẻ cho chúng ta các cách phòng ngừa viêm đường hô hấp.

 

 

1. Viêm đường hô hấp là gì?

Viêm đường hô hấp cấp tính được chia ra 2 nhóm bệnh khác nhau: Viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Viêm đường hô hấp thường xảy ra cấp tính với các triệu chứng xuất hiện đột ngột và không kéo dài.

       1.1. Viêm đường hô hấp trên

Tác nhân gây bệnh chủ yếu lây nhiễm thông qua tiếp xúc giọt bắn. Các bệnh lý viêm đường hô hấp trên thường gặp bao gồm:

  • Cảm lạnh: Đây là 1 bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến, thường gặp ở mọi đối tượng đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Virus gây bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua mắt, mũi, miệng, đặc biệt thường gặp do các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Hầu hết các trường hợp bệnh không kéo dài quá 7-10 ngày, tuy nhiên nếu diễn tiến nặng và kéo dài sẽ cần đến sự can thiệp của bác sĩ.

  • Viêm họng: Là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu. Triệu chứng thường gặp nhất là đau rát ở cổ họng đặc biệt là khi nuốt. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây viêm amidan.

  • Viêm thanh quản: Là tình trạng thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, bị kích ứng hoặc nhiễm trùng. Triệu chứng điển hình của bệnh: khàn tiếng kèm đau họng, mất tiếng, hắng giọng, sưng nề tuyến nước bọt... Viêm thanh quản có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài đôi khi được xem là báo hiệu một bệnh lý nguy hiểm.

  • Viêm xoang: Là bệnh lý Tai Mũi Họng phổ biến thường gặp ở mọi đối tượng. Bệnh xảy ra khi các tác nhân gây hại xâm nhập vào các hốc tự nhiên trong hộp sọ gây viêm nhiễm niêm mạc, tăng tiết nhầy và làm cho các xoang bị tắc nghẽn. Viêm xoang được chia làm 2 loại: viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp tính sẽ diễn ra trong thời gian ngắn sau đó khỏi dưới 4 tuần. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, dẫn đến dai dẳng kéo dài gọi là viêm xoang mạn tính và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

       1.2. Viêm đường hô hấp dưới

Viêm đường hô hấp dưới là một trong những bệnh lý hô hấp nguy hiểm dễ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới thường gặp:

  • Viêm phổi: Là tình trạng nhu mô phổi (phế nang) bị nhiễm trùng do sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như: vi khuẩn, vi rút, nấm. Triệu chứng thường gặp là: sốt cao kèm lạnh run, ho có đờm xanh và đau ngực. Nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng dẫn đến suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết và thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.

  • Viêm phế quản: Là một bệnh hô hấp phổ biến, đặc biệt ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Bệnh diễn tiến ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp.

  • Lao phổi: Là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn lao gây nên ở phổi của người bệnh. Lao phổi dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

 

Các bệnh lý viêm đường hô hấp

Các bệnh lý viêm đường hô hấp

2. Một số cách phòng bệnh đường hô hấp

Để hạn chế những biến chứng nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt trong tình trạng COVID-19 đang tăng trở lại, người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa viêm đường hô hấp hiệu quả: 

  • Ngừng hút thuốc, không ở gần những người hút thuốc lá.
  • Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch khử khuẩn, nhằm tiêu diệt các loại vi khuẩn và virus tồn tại trên da.
  • Thực hiện vệ sinh khử khuẩn hằng ngày các bề mặt vật dụng thường xuyên tiếp xúc.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như ly uống nước, khẩu trang… với người khác.
  • Giữ khoảng cách an toàn với người bị cảm lạnh, cúm hoặc viêm phổi. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ sớm và đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên… để tăng cường sức đề kháng.
  • Súc miệng, họng và vệ sinh vùng mũi bằng nước muối sinh lý.
  • Tiêm ngừa cúm và phế quản.

 

Một số phương pháp phòng bệnh đường hô hấp

Một số phương pháp phòng bệnh đường hô hấp

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3