HOTLINE

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh Đái tháo đường

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường thực sự là "kẻ giết người thầm lặng" do nhiều bệnh nhân được chẩn đoán muộn, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo đường và 2/3 số này (chiếm 70%) sẽ chuyển thành đái tháo đường với nguy cơ tử vong cao.
 

Đái tháo đường hay gọi là tiểu đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi sự tăng đường máu, do thiếu hụt insulin tương đối hay tuyệt đối gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, trước hết là rối loạn chuyển hoá glucid làm glucose máu tăng cao và xuất hiện glucose trong nước tiểu. 
 

Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người bệnh có thể điều chỉnh tốt lượng đường huyết, duy trì cân nặng, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động, hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

daithaoduong

 

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh Đái tháo đường:
 

Cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn cùng 4 nguyên tắc với 4 nhóm thực phẩm sau

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường 1: Nhóm ngũ cốc, khoai củ và các loại đường bột.

Thực phẩm nhóm này chủ yếu cung cấp năng lượng (giàu các chất đường bột), không có hoặc có rất ít vitamin C, A, D và chất béo. Nên ăn vừa đủ gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt, khoai lang,… theo nhu cầu năng lượng của cơ thể. Hạn chế khoai tây, miến dong, bánh mỳ, bánh ngọt,… vì dễ làm tăng đường huyết.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường 2: Nhóm sữa, thịt, cá, trứng, đậu đỗ khô và các chế phẩm của chúng

Nhóm này cung cấp chất đạm (protein), phốt pho, sắt và vitamin. Với trường hợp thừa cân, béo phì cần chọn thịt nạc, không ăn thịt có mỡ. Thịt gà thì cần bỏ da. Tăng cường ăn các loại đạm thực vật từ các loại đậu như đậu phụ, sữa đậu nành không đường…

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường 3: Nhóm dầu, mỡ, các loại hạt có dầu

Giúp cung cấp chất béo, cho năng lượng cao, tăng hấp thu vitamin tan trong dầu. Người bệnh tiểu đường nên tăng cường ăn dầu thực vật (dầu đậu nành, vừng, dầu oliu) vì dầu chứa nhiều axít béo không no cần thiết cho cơ thể. Hạn chế dùng mỡ, bơ, óc, lòng, phủ tạng động vật, đồ hộp.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường 4: Nhóm rau, quả

Để cung cấp chất xơ, vitamin, acid amin và chất khoáng, người bệnh cần ăn rau, quả chín, nên ăn nhiều món rau trộn sa lát, luộc hay kết hợp với ngũ cốc.
 

Một số loại thức ăn người bệnh Đái tháo đường nên tránh:

  • Hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít...
  • Các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh.
  • Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.
  • Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.
  • Hạn chế uống rượu, bia và giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
     

Một số lưu ý về chế độ ăn uống cho bệnh đái tháo đường:

  • Một số loài cá như cá hồi giàu chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch của người bệnh ĐTĐ, giúp phòng ngừa các biến chứng ĐTĐ liên quan đến tim mạch
  • Ngoài ra, người bệnh và người thân của người bệnh cũng nên chú ý đến cách chế biến thực phẩm. Nên dùng các món luộc, hấp,…và hạn chế các món chiên, xào, kho, rim,…vì sẽ làm tăng chỉ số đường huyết của thực phẩm.
     

Chỉ số đường huyết của thực phẩm:

Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số đánh giá khả năng hấp thụ nhanh/chậm và làm tăng nồng độ đường glucose trong máu của thức ăn có chất bột đường so với glucose. Chỉ số GI được chia thành 100 mốc và chỉ số này càng cao thì càng không có lợi cho sức khỏe của người tiểu đường.

Chỉ số đường huyết thấp < 55: đường huyết tăng lên từ từ, đều đặn và giảm xuống chậm rãi sẽ giữ nguồn năng lượng ổn định, bao gồm các loại rau xanh, các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,… Thực phẩm trong nhóm này là những thực phẩm người tiểu đường nên tăng cường sử dụng trong các bữa ăn, để tránh tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn đồng thời kiểm soát ổn định đường huyết.

Chỉ số đường huyết trung bình từ 56 – 69: tiêu hóa, hấp thu và làm tăng đường máu ở mức trung bình. Một số thực phẩm thuộc nhóm này như bột mì, các loại bột yến mạch, gạo lứt,…

Chỉ số đường huyết cao > 70: thức ăn tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa nhanh làm tăng đường máu rất nhanh. Đây là nhóm thực phẩm người tiểu đường nên tránh, bao gồm: bánh mì trắng, khoai tây, bí đỏ, bánh quy,… 
 

Lưu ý: Chế độ ăn với các thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ giúp cơ thể hấp thu đường vào máu từ từ và làm gia tăng sự nhạy cảm của cơ thể với insulin. Điều này không chỉ có lợi cho bệnh đái tháo đường, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như sức bền thể lực, giảm cholesterol máu, giảm đề kháng insulin, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bên cạnh chế độ ăn uống phù hợp thì người bệnh cần kết hợp tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, sử dụng thuốc và kiểm tra đường huyết thường xuyên. 
 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Võ Ngọc Diễm - Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn 
 

Để chủ động kiểm soát bệnh tiểu đường, bạn nên khám sức khỏe định kỳ đúng lịch. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đang có gói khám sức khỏe phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Quý Khách có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3