HOTLINE

DÂN CÔNG SỞ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ HÔ HẤP THƯỜNG GẶP

Làm việc nhiều giờ đồng hồ, chịu áp lực cao hay ngồi quá lâu trong không gian khép kín và điều hòa liên tục là những đặc trưng của công việc văn phòng, tưởng chừng như vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe mỗi người.

Cùng Ths.Bs.CKI Nguyễn Trương Khương - Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn chia sẻ một số bệnh về đường hô hấp thường gặp của dân văn phòng và cách phòng bệnh hợp lý.

 

 

Văn phòng nơi dễ lây bệnh đường hô hấp:

Anh Trần Văn H. (40 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) nhăn mặt kể: “Cả năm nay rồi, từ ngày về làm việc ở văn phòng mới, tôi ở nhà không sao, ra đường cũng không sao, cứ vô văn phòng là căn bệnh viêm mũi dị ứng lại bùng phát, suốt ngày cứ hắt xì, sổ mũi, ho. Cùng văn phòng tôi cũng có hai, ba người bị tương tự như thế”.

 

Văn phòng là nơi chứa vi khuẩn, mầm bệnh do đó, đây là nơi khởi nguồn của các bệnh hô hấp như cảm cúm, viêm phổi, viêm mũi dị ứng cao hơn nhiều lần sao với bên ngoài, đặc biệt là ở nữ giới vốn có hệ miễn dịch kém hơn hẳn so với nam giới.

 

Khi tiếp xúc lâu dài với các tác nhân ở một nồng độ nhất định, đầu tiên là niêm mạc mũi họng bị kích thích như ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, sau đó là phổi gây nên ho, khó thở. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bùng phát như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc suyễn.

 

Lâu dần các tác nhân này sẽ tác động lên hệ thần kinh gây nên các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, kém tập trung, trầm cảm, năng suất làm việc trở nên kém hiệu quả.
 

Bệnh cảm cúm thường gặp tại các văn phòng:

Tình trạng nhiễm siêu vi, trong dân gian thường được gọi là bệnh cảm, là tình trạng bệnh do vi rút (siêu vi trùng) gây ra. Bệnh này thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ê ẩm mình mẩy và nóng sốt. Bệnh nhân thường tự khỏi sau 5-7 ngày.

 

Tuy nhiên đây là bệnh lý rất dễ lây lan, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh, hình thức lây lan là từ người sang người bằng giọt bắn nước bọt có chứa vi rút của người bệnh khi ho, khi hắt xì hoặc thậm chí là khi nói. Bên cạnh cảm cúm thông thường thì COVID-19 cũng là mối nguy khi không gian văn phòng là nơi thuận tiện để virus ẩn nấp.

 

Ngoài ra virus cũng có thể lây lan qua các vật dụng dùng chung như máy tính, máy in, máy photocopy, tay nắm cầu thang, tay nắm cửa có dính giọt bắn của người bệnh.

 

Theo Ths.Bs.CKI Nguyễn Trương Khương cho biết: “Các văn phòng với cách sắp xếp bàn ngồi làm việc san sát, trong khi đó hệ thống thông khí kém, nhân viên bị bệnh vẫn đi làm là các yếu tố làm tình trạng nhiễm siêu vi rất dễ lây lan.”

 

Hội chứng bệnh “dị ứng văn phòng”:

Hội chứng bệnh văn phòng được dùng để mô tả tập hợp các triệu chứng của bệnh lý sinh ra từ những nơi làm việc có chất lượng không khí kém, ở đó có nhiều nhân viên thường mắc phải các triệu chứng về hô hấp, thần kinh và ngoài da, chẳng hạn như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mắt, đau họng, ho, khó thở, khô da, ngứa da. Các triệu chứng này nặng lên khi người làm việc tới văn phòng và thuyên giảm khi ra khỏi văn phòng.

 

Mặc dù có thể trong cùng một văn phòng, các triệu chứng này xuất hiện thay đổi khác nhau tùy từng người và vào những khoảng thời gian khác nhau.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ bị nhiều hơn nam, do thời gian ở trong văn phòng của nữ nhiều hơn và hệ miễn dịch của nữ nhạy cảm hơn.

 

Viêm mũi xoang ảnh hưởng lớn đến dân văn phòng:

Làm việc trong máy lạnh, không gian bí, chứa nhiều bụi mốc… cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay là những lý do khiến bệnh viêm mũi xoang trở nên phổ biến ở dân văn phòng.

Viêm mũi xoang gây ra nhiều biểu hiện khó chịu và dai dẳng như nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, khó thở, dễ bị kích ứng với không khí lạ… Thậm chí, tình trạng bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng ổ mắt.

 

Lời khuyên của bác sĩ cho đường hô hấp của dân văn phòng:

Ths.Bs.CKI Nguyễn Trương Khương cho biết: Muốn cải thiện chất lượng môi trường văn phòng và phòng bệnh hô hấp cần thực hiện nguyên tắc chung như:

 

Thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang đúng cách khi làm việc trong môi trường văn phòng.

 

Để phòng bệnh cảm cho bản thân cũng như đồng nghiệp, ngoài cách phòng ngừa chung là tập thể thao, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, người làm việc văn phòng khi bị cảm, sốt nên xin nghỉ ngơi làm việc tại nhà, hoặc nếu bắt buộc phải đi làm thì nên mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trò chuyện, hội họp và đặc biệt chú ý thường xuyên rửa tay trước khi tiếp xúc các máy móc dùng chung như máy photocopy, máy lọc nước, tay nắm cửa, nút ấn thang máy, tay vịn cầu thang.

 

Cần xem xét các yếu tố khác liên quan đến toàn bộ kiến trúc của nơi làm việc như: chống ẩm và nấm mốc cho tường, thảm lót sàn và trần nhà; đảm bảo hệ thống không khí hoạt động tốt và được bảo trì đúng thời hạn; thường xuyên làm vệ sinh các hệ thống điều hòa và đặt máy điều hòa ở những vị trí thích hợp để đảm bảo dòng không khí lưu thông đều khắp trong phòng.

 

Hằng ngày, khi làm việc nên sắp xếp công việc hợp lý, tránh căng thẳng do quá tải. Nếu phải tập trung làm việc lâu trước máy tính nên để chế độ tắt màn hình từ 5-10 phút sau mỗi hai giờ. Đi ra ngoài hít thở không khí tự nhiên và đi bộ trong giờ giải lao hoặc trước giờ ăn trưa. Khi làm việc cần ngồi đúng tư thế và sau mỗi hai giờ nên đứng lên tập nhẹ vài động tác giúp tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn. Nên để vài cây kiểng trong góc phòng hoặc trên bàn làm việc để hút bớt khí độc và cung cấp thêm oxy

 

Thêm vào đó, bệnh hô hấp thường xuyên tái phát nên cần phải khám sức khỏe định kỳ tổng quát tối thiểu mỗi năm 1 lần, tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn thành mãn tính, nguy hiểm.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3