HOTLINE

GIẢI MÃ CƠN HO VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ CHO BÉ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh - Bác sĩ phụ trách Phòng khám Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn

Thời tiết lạnh trong những tháng cuối năm làm cho trẻ em dễ mắc các bệnh hô hấp. Ngoài sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, ho là triệu chứng thường gặp nhất trong các bệnh lý đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, hen phế quản…Hãy cùng chuyên gia về Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn tìm hiểu về vấn đề này nhé.

post_beho_web_1940x958

Tại sao bé ho?

Ho là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp nhất của ho là nhiễm trùng hô hấp, như cảm lạnh thông thường (common cold). Trẻ nhỏ thường mắc 6 - 8 đợt nhiễm trùng hô hấp mỗi năm, thường là do vi rút.

Điều trị ho cho bé như thế nào?

Điều trị tại nhà

Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên:

    • Cho trẻ nghỉ ngơi
    • Uống đủ dịch, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa
    • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
    • Có thể sử dụng mật ong để giảm ho cho trẻ (cách dùng: hòa 1-2 thìa trà mật ong vào một cốc nhỏ nước ấm cho trẻ uống 30 phút trước đi ngủ có thể giảm ho cho trẻ lớn hơn 12 tháng. Trẻ dưới 12 tháng không được sử dụng mật ong)

Và cần tránh:

    • Tránh khói thuốc lá vì khói thuốc lá có thể làm ho nặng hơn.
    • Các loại thuốc ho thông thường không khuyến cáo cho trẻ dưới 4 tuổi, trừ khi có chỉ định của bác sĩ Nhi khoa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc ho không có tác dụng ở trẻ nhỏ, thậm chí tiềm ẩn các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Thuốc ho thuộc họ opioid – như codeine không được sử dụng ở trẻ em.

Điều trị kháng sinh?

  • Kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp ho do nhiễm vi rút. Đôi khi, trẻ có thể ho kéo dài nhiều tuần sau một đợt nhiễm vi rút – gọi là ho hậu nhiễm vi rút.
  • Ho, đôi khi do nhiễm trùng vi khuẩn ở họng hay ở phổi. Trong những trường hợp này, kháng sinh có thể được chỉ định bởi bác sĩ Nhi khoa.

Khi nào cần gặp bác sĩ Nhi khoa?

Không phải khi nào bé bị ho cũng cần được bác sĩ thăm khám đặc biệt. Đa phần các triệu chứng sẽ dần tự khỏi trong 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bé gặp các tình trạng sau, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ:

  • Nếu trẻ sốt cao, thở mệt, ăn/uống kém hay tiểu ít hơn bình thường
  • Nếu ho kéo dài trên 2-3 tuần, hay đơn giản bạn thấy lo lắng
  • Ho có đàm, kéo dài trên 4 tuần cho dù trẻ không sốt, có thể có do các nguyên nhân tiềm ẩn khác, và vì vậy cần phải được thăm khám bởi bác sĩ Nhi khoa.
  • Nghi ngờ trẻ mắc hen phế quản: ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm, hoặc đi kèm các triệu chứng khác như khò khè hay khó thở. Nhiều trẻ bị hen phế quản có thể cũng bị dị ứng hay chàm.

Với 25 năm kinh nghiệm trong thực hành nhi khoa, cũng như thời gian tu nghiệp tại Pháp và Mỹ đã giúp Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh có được những kinh nghiệm quý báu trong điều trị các bệnh lý nhi khoa. Bs Lĩnh đặc biệt chú trọng đến sự chăm sóc toàn diện trong thăm khám và điều trị bệnh nhi, bao gồm khả năng giao tiếp và giáo dục cha mẹ nhằm đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất cho trẻ.

10

 
  • share1
  • zalo
  • share3