HOTLINE

NHẦM TƯỞNG MÌNH BỊ BÉO PHÌ NHƯNG KHÔNG NGỜ MÌNH BỊ HỘI CHỨNG CUSHING NGUY HIỂM

Cân nặng thay đổi bất thường, mặt tròn lên thấy rõ kèm nổi những đốm đỏ nhưng không rõ nguyên nhân, chị D.T (35 tuổi) đến thăm khám trong trạng thái hoang mang. Bất ngờ hơn sau khi thăm khám chị T. đã mắc hội chứng Cushing nguy hiểm chỉ vì dạo gần đây chị có sử dụng thực phẩm chức năng nghi có corticoid trong thời gian dài. 

 

 

Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh của chị T, BS.CKI Trần Huyền Trâm - chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Hội chứng Cushing là một hội chứng lâm sàng gây ra do tình trạng dư thừa hormone glucocorticosteroid, có thể do u từ tuyến yên, tuyến thượng thận hoặc sử dụng corticoid trong thời gian kéo dài. Trong đó nguyên nhân sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid. Việc sử dụng thuốc có thành phần corticoid có thể do bắt buộc trong điều trị các bệnh lý khác hoặc do người bệnh vô tình sử dụng mà không rõ thành phần và tác hại của thuốc. Corticoid nếu dùng đúng liều lượng, đúng cách sẽ giúp điều trị được nhiều bệnh lý, nhưng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách trong thời gian quá lâu dài. 

 

Những dấu hiệu nhận biết hội chứng Cushing:

Chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết tránh nhầm lẫn của hội chứng Cushing, BS.CKI Trần Huyền Trâm cho biết: Các dấu hiệu của hội chứng Cushing có thể bao gồm nhiều triệu chứng gặp ở nhiều cơ quan khác nhau, điển hình như:

  • Tăng cân, cảm giác cơ thể tích nước
  • Thể trạng mập phì, tái phân bố mỡ bất thường, mỡ tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm: mặt, ngực, bụng.
  • Da mỏng, giãn mạch, dễ xuất hiện bầm máu, lành thương kém. Dễ nhiễm trùng, nhiễm nấm da
  • Mặt tròn như mặt trăng, da mặt đỏ, có thể kèm theo mụn trứng cá
  • Vết rạn da màu đỏ tím, tập trung nhiều ở vùng bụng, đùi
  • Teo cơ tứ chi, sức cơ yếu
  • U mỡ vùng vai
  • Loãng xương sớm, có thể kèm hoại tử chỏm xương đùi
  • Ở phụ nữ có thể kèm theo các rối loạn về kinh nguyệt
  • Thỉnh thoảng có thể có những thay đổi về tâm trạng, đau đầu và cảm giác mệt mỏi kinh niên. 
  • Rối loạn đường huyết, tăng huyết áp hoặc huyết áp khó kiểm soát hơn ở những bệnh nhân có vấn đề huyết áp trước đó….
  • Một số trường hợp kèm theo rậm lông

 

 

Tránh nhầm lẫn hội chứng Cushing với béo phì và một số bệnh lý khác: 

Hội chứng Cushing cần được phân biệt để tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý cấp tính khác hoặc trầm cảm, béo phì:

  • Béo phì: người bị béo phì thường béo toàn thân còn hội chứng Cushing chủ yếu gây béo ở phần thân của cơ thể. Bên cạnh đó, hội chứng Cushing còn kèm thêm các biểu hiện đặc trưng về da, cơ và các cơ quan khác.
  • Trầm cảm: người bị trầm cảm cũng có thể có tăng cân bất thường, tuy nhiên thường sẽ kèm theo những triệu chứng như thay đổi cảm xúc, chán nản, mất ngủ, lo lắng, giảm trí nhớ và mất tập trung. 

 

Phòng ngừa hội chứng Cushing:

Để phòng ngừa hội chứng Cushing, BS Trâm cũng đưa ra những lưu ý: 

  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng mà không có kê đơn kiểm soát của bác sĩ, để tránh sử dụng thuốc có thành phần corticoid không mong muốn.
  • Với các trường hợp người bệnh phải điều trị bằng các thuốc có nguồn gốc corticoid lâu dài như: Hội chứng thận hư, bệnh tự miễn, bệnh lý khớp… nên sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra cần tái khám đúng hẹn để được điều chỉnh thuốc phù hợp cũng như theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Cũng không nên vì sốt ruột mà bỏ thuốc đã được kê toa để tìm phương pháp điều trị khác. Không uống thêm thuốc khác theo lời mách bảo mà gây hậu quả nặng nề hơn.
  • Trong chế độ ăn, nên tiêu thụ ít mỡ và năng lượng. Tăng cường chất đạm và rau củ quả trong mỗi bữa ăn hằng ngày.
  • Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao.
  • Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng huyết áp, đường huyết, mật độ xương. 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tếBảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3