HOTLINE

NHẬN DIỆN CƠN ĐAU BỤNG DO SỎI TÚI MẬT

Tuổi cao, béo phì, nữ giới, chế độ ăn thiếu cân bằng, nhiều chất béo… có liên quan đến nguy cơ gia tăng bệnh sỏi mật. Triệu chứng của sỏi túi mật thường mờ nhạt khó phát hiện, thường phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đã xuất hiện các cơn đau do biến chứng sỏi mật gây nên. Nhận diện đúng cơn đau giúp người bệnh chủ động thăm khám và hướng dẫn cách xử lý kịp thời trước khi quá muộn dẫn đến hậu quả phải cắt bỏ túi mật. 

 

Sỏi túi mật được hình thành như thế nào?

BS.CKI Nguyễn Trung Đương - khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Sỏi mật hình thành khi các chất trong dịch mật đông cứng lại thành chất rắn với kích thước đa dạng bên trong túi mật. Đây là do tình trạng bão hòa quá mức của các thành phần trong dịch mật gồm: muối canxi, cholesterol và sắc tố mật. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bị sỏi túi mật đều nguy hại, mà nó còn phụ thuộc vào số lượng, kích thước và tính chất của từng loại sỏi.

 

 

Sỏi túi mật có 2 loại phổ biến: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố:

Sỏi cholesterol: là sỏi được hình thành chủ yếu do sự lắng đọng của cholesterol trong dịch mật. Bệnh hay gặp ở phụ nữ

Sỏi sắc tố: thường xuất hiện do nhiễm khuẩn đường ruột hay các bệnh như xơ gan, viêm gan…

Trước đây, giun sán được coi là một yếu tố gây bệnh chính nhưng ngày nay nguyên nhân này không còn phổ biến nữa. Hiện nay, bệnh sỏi mật chủ yếu xuất phát từ những rối loạn chuyển hóa làm thay đổi lượng cholesterol, sắc tố mật và muối có trong dịch mật, tạo điều kiện hình thành sỏi. Bên cạnh đó, các đối tượng như phụ nữ mang thai, người béo phì, người bệnh tiểu đường… cũng sẽ có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn bình thường.

 

Nhận biết cơn đau do sỏi túi mật?

Sỏi túi mật có thể biểu hiện thành các triệu chứng như đau vùng thượng vị, khó tiêu, đầy chướng và ợ hơi, khiến nhiều người nhầm tưởng là bệnh dạ dày. Việc nhầm lẫn các triệu chứng dẫn đến điều trị chậm trễ, tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Chia sẻ về cách nhận biết cơn đau do sỏi túi mật, BS.CKI Nguyễn Trung Đương cho biết:

Vị trí đau

Vị trí đau nằm ở mạn sườn phải nhưng cũng có khi lan ra vùng thượng vị nên rất nhiều người nhầm lẫn là bệnh đau dạ dày và chủ quan không điều trị tốt. Vị trí đau này thường do sỏi di chuyển gây cọ xát vào túi mật hoặc đường mật, cơn đau thường xuất hiện đột ngột và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Dấu hiệu phổ biến đầu tiên khi đó người bị sỏi mật thường bị đau âm ỉ hoặc đau bụng một cách dữ dội ở bên phải góc xương sườn. Ngoài ra những cơn đau do sỏi mật thường xảy ra vào những lúc sau ăn và đau dữ dội khi ăn nhiều dầu mỡ, cholesterol…Trong nhiều trường hợp, cơn đau còn có thể lan lên vai phải và ra sau lưng. 



 

Triệu chứng đặc trưng: 

  • Đau bụng theo từng cơn kèm theo đầy bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân là do sỏi mật làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy trướng, khó tiêu, chán ăn, sợ đồ dầu mỡ do thiếu dịch mật để tiêu hóa chất béo.
  • Đau bụng ở sườn lan sang vai và thượng vị kèm theo sốt cao..: đây là hiện tượng điển hình của việc xuất hiện sỏi tại ống mật khi đó người bệnh thường đau cả vùng thượng vị. Người bệnh có thể sốt kèm vã mồ hôi hoặc ớn lạnh do bị nhiễm trùng đường mật và túi mật. Cùng với cơn sốt cao đến 38 – 39 độ C, người bệnh có thể bị đau bụng dữ dội, vã mồ hôi nhưng cũng có khi sốt nhẹ, kéo dài.
  • Đau bụng dữ dội, vàng da, phân màu bạc…: đây là biểu hiện của tắc mật, mức độ vàng da ở mỗi người khác nhau tùy thuộc vào mức độ tắc mật, thường đi kèm với các triệu chứng như đi ngoài phân trắng, ngứa da. Đây cũng là một trong những điểm để phân biệt triệu chứng sỏi mật và bệnh dạ dày. 

 


 

Giảm đau tạm thời với cơn đau do sỏi túi mật:

Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời tại nhà nếu cơn đau không quá dữ dội:

  • Chườm ấm bụng bằng túi giữ nhiệt hoặc chai nước ấm, đặt túi giữ nhiệt lên vùng bụng bị đau, xoa nhẹ nhàng, sức nóng tỏa ra sẽ giúp dịu cơn đau;
  • Uống nước hoa quả như nước cam, nước chanh hoặc nước ép rau củ. Các loại thức uống giàu vitamin này rất tốt cho sức khỏe và còn rất ngon miệng, giúp tinh thần phấn chấn hơn, làm dịu đi cơn đau do sỏi mật.
  • Nếu thấy cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, dữ dội hoặc đau không giảm sau nhiều giờ, kèm theo sốt, buồn nôn, đầy trướng bụng… thì rất có thể túi mật của bạn đã có sỏi gây viêm. Bạn cần tới bệnh viện siêu âm để được điều trị kịp thời.

 


 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

NGUYỄN TRUNG ĐƯƠNG
Ths.BS.CKI
NGUYỄN TRUNG ĐƯƠNG
Phó khoa Ngoại Tổng Hợp
  • share1
  • zalo
  • share3