HOTLINE

Những điều bạn nên biết về bệnh cúm mùa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 5 – 10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm virus cúm mùa, trong đó có khoảng 3 – 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 – 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 1,5 triệu – 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm được báo cáo.

Bệnh cúm và những biểu hiện của bệnh cúm

Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên những người nhiễm virus cúm có thể diễn tiến nặng hơn, thậm chí tử vong vì những biến chứng của bệnh cúm.

 

Diễn tiến bệnh cúm

Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

 

Biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm

Các biến chứng của cúm có thể do bản thân virus cúm gây ra hoặc do bội nhiễm khi sức đề kháng kém nên dễ bị nhiễm khuẩn, gọi là nhiễm khuẩn thứ phát (bội nhiễm). Cúm gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm lên bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là lao, phổi, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch và tiểu đường. Bệnh cúm làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai. Bệnh cúm cũng gây nguy hiểm với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi – là những nhóm đối tượng hệ miễn dịch yếu nên rất nhạy cảm với virus cúm

Người ta không chết vì bệnh Cúm nhưng sẽ chết vì những biến chứng của nó, đặc biệt nguy hiểm vì căn bệnh này hay gặp ở người trẻ tuổi nên rất dễ bị chủ quan, coi nhẹ. Bằng chứng là bệnh cúm đã gây tử vong cho khoảng 500,000 người mỗi năm trên thế giới, tương đương với 1 ca tử vong mỗi phút vì bệnh cúm (theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO).

 

Phòng ngừa hiệu quả bệnh cúm mùa

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

 

Nguồn tham khảo: Bộ y tế, vnvc.vn

 
 
  • share1
  • zalo
  • share3