HOTLINE

Rách chóp xoay vai - Bệnh lý vùng vai nguy hiểm

Rách chóp xoay vai là tình trạng tổn thương gân cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay, dẫn đến đứt một phần hoặc hoàn toàn gân cơ này. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải chịu những tổn thương hay thậm chí là đứt khớp vai.

 

Vậy rách chóp xoay vai là gì? Triệu chứng và điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của BS.CKII Võ Văn Mẫn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. 

 

Rách chóp xoay vai: 

Chóp xoay vai là nhóm gồm 4 cơ và gân cơ giúp giữ vững khớp vai và hỗ trợ vận động khớp vai bao gồm: cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé cùng hệ thống dây chằng. Gân của các cơ này bám vào xương cánh tay và xương bả vai, tạo thành một "vòng bít" xung quanh khớp vai. Khi các cơ này co lại, chúng sẽ kéo gân, giúp di chuyển xương cánh tay theo các hướng khác nhau. Chóp xoay vai rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và linh hoạt của khớp vai và xương cánh tay. 

 

Thăm khám bệnh lý rách chóp xoay vai cùng BS.CKII Võ Văn Mẫn

 

Rách chóp xoay vai là tình trạng tổn thương gân cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay, dẫn đến đứt một phần hoặc hoàn toàn gân cơ này. Tổn thương chóp xoay vai có thể gây ra các triệu chứng như đau vai, sưng, yếu và hạn chế vận động. Triệu chứng đau âm ỉ ở vai và trầm trọng hơn vào ban đêm. Đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, người lao động nặng cần nâng tay lên quá đầu lặp đi lặp lại nhiều lần trong công việc, vận động viên,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. 

 

Nguyên nhân gây rách chóp xoay vai: 

Chia sẻ về nguyên nhân gây rách chóp xoay vai, BS.CKII Võ Văn Mẫn cho biết: Rách chóp xoay vai thường gặp ở người có độ tuổi ngoài 40 tuổi với nguyên nhân do chấn thương hoặc do khớp vai bị thoái hóa. 

 

Nguyên nhân gây thoái hóa chóp xoay khớp vai bao gồm:

  • Thoái hóa theo độ tuổi: Theo thời gian, gân cơ chóp xoay bị thoái hóa, yếu đi và dễ tổn thương hơn.
  • Chấn thương: Ngã, va đập mạnh vào vai có thể gây rách chóp xoay.
  • Lặp đi lặp lại các động tác: Việc lặp đi lặp lại các động tác vung tay mạnh, xoay vai trong các hoạt động như ném bóng, chơi thể thao, vác vật nặng... cũng có thể dẫn đến rách chóp xoay.
  • Thoái hóa khớp vai: Sự phát triển của xương có thể hình thành trên đỉnh xương vai. Những gai xương này cọ xát vào gân của bạn khi bạn nhấc cánh tay lên. Sự va chạm vào vai này tạo ra ma sát giữa xương và gân dẫn đến thoái hóa khớp. Dẫn đến vết rách một phần hoặc toàn bộ gân cơ có thể xảy ra.

Người lao động chân tay sử dụng lực cơ vai nhiều là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh rách chóp xoay vai

  • Vận động quá mức: Chuyển động vai lặp đi lặp lại trong khi chơi thể thao hoặc làm việc có thể gây căng cơ và gân, gây rách.
  • Chấn thương: Ngã, va đập mạnh vào vai có thể gây rách chóp xoay. Ngoài ra những môn thể thao đòi hỏi thực hiện động tác đưa tay qua đầu lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài.
  • Tính chất công việc: Người lao động chân tay sử dụng lực cơ vai nhiều và nặng như làm nông, làm vườn, thợ sơn, công nhân xây dựng, đặc biệt là vận động viên chơi quần vợt và bóng chày.
  • Người hút thuốc lá: Việc hút thuốc sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ vết rách không lành lại bất kể vết rách nhỏ đến mức nào. Vì vậy, hút thuốc không chỉ gây bệnh lý mà còn khiến việc điều trị khó khăn hơn.
  • Lưu lượng máu giảm: Lưu lượng máu đến chóp xoay giảm khi tuổi càng tăng. Cơ và gân cần được cung cấp máu khỏe mạnh để tự sửa chữa. Nếu máu không nuôi dưỡng gân, chúng có thể dễ bị rách.

 

Triệu chứng khi bị rách chóp xoay vai: 

Rách chóp xoay nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến đứt toàn bộ gân cơ chóp xoay, gây hạn chế vận động, yếu liệt cánh tay, thoái hóa khớp vai. Đặc biệt lâu ngày có thể gây teo cơ và cứng khớp vai. Triệu chứng đầu tiên của người bị rách chóp xoay vai là những cơn đau âm ỉ sâu bên trong vai hoặc có thể có cảm giác như bị dao đâm cùng tình trạng khó cử động khớp vai. BS.CKII Võ Văn Mẫn cho biết thêm. 

 

Triệu chứng đầu tiên của người bị rách chóp xoay vai là những cơn đau âm ỉ sâu bên trong vai cùng tình trạng khó cử động khớp vai

 

Những triệu chứng sớm nhận biết rách chóp xoay bao gồm:

  • Khó khăn, đau đớn do nâng, hạ hoặc xoay cánh tay.
  • Âm thanh hoặc cảm giác lạch cạch, tách ra hoặc kêu lách tách khi di chuyển cánh tay ở một số vị trí nhất định.
  • Đau vai trầm trọng hơn vào ban đêm hoặc khi bạn thả lỏng cánh tay.
  • Vai yếu và gặp khó khăn khi nâng đồ vật.
  • Những vết rách đột ngột do tai nạn hoặc chấn thương có thể gây đau vai dữ dội ngay lập tức và yếu cánh tay.

 

Điều trị rách chóp xoay vai: 

Điều trị rách chóp xoay tùy thuộc vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.

 

Thăm khám để có chỉ định phù hợp

 

Điều trị không phẫu thuật: 

BS.CKII Võ Văn Mẫn chia sẻ: Rách chóp xoay không tự lành nếu không phẫu thuật, nhưng nhiều người có thể cải thiện chức năng và giảm đau bằng phương pháp điều trị không phẫu thuật bằng cách tăng cường cơ vai bằng tập vật lý trị liệu. Có thể mất đến một năm để tình trạng được cải thiện. Áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị rách bán phần chóp xoay, viêm gân chóp xoay hoặc mắc các bệnh nội khoa nặng, không thể tiến hành phẫu thuật.

 

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:

  • Mang đai bảo vệ khớp vai hoặc treo tay và nghỉ ngơi để vai có thời gian lành lại. 
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm thiểu đau và sưng.
  • Vật lý trị liệu để tăng cường cơ vai.
  • Tiêm steroid để giảm đau và sưng.

 

Điều trị phẫu thuật: 

Chỉ được thực hiện trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Áp dụng cho bệnh nhân bị rách hoàn toàn chóp xoay, hoặc những trường hợp rách gân cơ vai từ 3cm trở lên, điều trị bảo tồn 3-6 tháng nhưng không đáp ứng điều trị hoặc đáp ứng chậm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. 

 

Phương pháp phẫu thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả

 

Phẫu thuật nội soi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị rách chóp xoay vai. Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên có chuyên môn sâu về nội soi khớp vai, cần các trang bị, dụng cụ, trang thiết bị máy móc đầy đủ.

Ưu điểm của nội soi: ít xâm lấn, độ thẩm mỹ cao, ít tàn phá mô mềm, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, có thể xử trí được hầu hết tổn thương ở vị trí sâu mà mổ hở không vào được.

Kỹ thuật khâu gân chóp xoay bị rách có thể thực hiện khâu một hàng hoặc khâu hai hàng tuỳ vào kinh nghiệm, kỹ năng của phẫu thuật viên, dụng cụ, trang thiết bị....

 

Phẫu thuật mổ hở:

Áp dụng khi rách nhiều gân hoặc vết rách lớn, không khâu được bằng nội soi.

Mổ mở giúp khâu gân rách, chuyển cơ thông thường là chuyển cơ lưng rộng.

Trường hợp rách lớn, để cải thiện chức năng khớp vai có thể thực hiện mổ hở để thay khớp vai.

Nếu có dấu hiệu của bệnh viêm, rách chóp xoay: đau, hạn chế vận động khớp vai… cần đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không đắp lá hoặc tiêm khớp vai ở những cơ sở không uy tín. 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 

Chuyên gia

VÕ VĂN MẪN
BS.CKII
VÕ VĂN MẪN
Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
  • share1
  • zalo
  • share3