HOTLINE

RỐI LOẠN KINH NGUYỆT

Bài viết được tham vấn chuyên môn từ BS.CKII Bùi Ngọc Phượng - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Thế nào là rối loạn kinh nguyệt ?

Trước tiên cần biết thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Kinh nguyệt là dấu hiệu thể hiện hoạt động của buồng trứng và tử cung. Cụ thể là nội mạc tử cung phải bình thường về cấu trúc giải phẫu cũng như tổ chức học và cả sự tiếp nhận của nội tiết tố từ buồng trứng.

Ở một phụ nữ bình thường, độ tuổi bắt đầu có kinh trung bình khoảng 13-16 tuổi và mãn kinh trung bình ở độ tuổi 45-50.

Chu kỳ kinh nguyệt còn gọi là vòng kinh trung bình là 28-30 ngày, mỗi kỳ kinh ra máu kéo dài trung bình 3-4 ngày và lượng máu mất trung bình tổng cộng khoảng 50-100ml mỗi kỳ kinh.

Vòng kinh bình thường có phóng noãn được chia thành 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn trước phóng noãn: Chịu ảnh hưởng của Estrogen

2. Giai đoạn sau phóng noãn: Chịu ảnh hưởng phối hợp của Estrogen lẫn Progesterone

 

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là một từ chung để hiển thị những bất thường của kinh nguyệt như các bất thường về độ tuổi (Bắt đầu có kinh và mãn kinh), chu kỳ kinh (Vòng kinh dài, ngắn, muộn…; thời gian hành kinh quá ngắn hoặc kéo dài; lượng máu kinh quá ít hoặc quá nhiều) hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường (đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh, trước hành kinh vài ngày có một số bị đau đầu do căng thẳng, đau cương vú hoặc đau trằn bụng dưới).

 

Các Tình Trạng Rối Loạn Kinh Nguyệt Các Tình Trạng Rối Loạn Kinh Nguyệt - Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn

 

Điều trị Rối loạn kinh nguyệt như thế nào?

Theo thống kê, rối loạn kinh nguyệt chiếm khoảng 1/3 các lý do đến khám tại phòng khám phụ khoa. Những trường hợp rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nên cần điều trị theo nguyên nhân.

Ngoài ra, còn có những trường hợp các triệu chứng kinh nguyệt biểu hiện bình thường nhưng là những chu kỳ kinh không phóng noãn nên cũng không có khả năng thụ thai. Vì vậy, những trường hợp này thường đến thăm khám vì lý do hiếm muộn, tuy nhiên đây cũng là một trong những trường hợp rối loạn kinh nguyệt.

Vòng kinh không phóng noãn:

Trên lâm sàng rất khó phân biệt được vòng kinh có phóng noãn và vòng kinh không phóng noãn, thường hay gặp ở chu kỳ kinh không đều khi dài khi ngắn và thường không có sự hiện diện của hoàng thể.

Vòng kinh không phóng noãn thường gặp ở tuổi dậy thì và tiền mãn kinh.

Thực tế người ta thấy có đến 1/10 các vòng kinh là vòng kinh không phóng noãn.

 

Một số hình thái rối loạn kinh nguyệt & những trường hợp cần thăm khám:

1. Vô kinh:

Các trường hợp cần điều trị theo nguyên nhân:

  • Vô kinh nguyên phát: Sau 18 tuổi và những năm về sau cuộc đời, phụ nữ vẫn không có kinh gọi là vô kinh nguyên phát.
  • Vô kinh thứ phát: Không có kinh liên tiếp 3 tháng trở lên đối với những phụ nữ trước đó vẫn có kinh đều đặn hàng tháng.
  • Vô kinh giả: Vẫn có kinh bình thường nhưng kinh không ra ngoài do bít cổ tử cung, bít màng trinh, không có âm đạo nên kinh ứ trong buồng tử cung hoặc trong âm đạo không thoát ra ngoài.

Ngoài ra còn có trường hợp vô kinh sinh lý như là phụ nữ mang thai (không cần thăm khám).

 

2. Rong kinh, cường kinh và rong huyết:

Rong kinh là hiện tượng có kinh đúng chu kỳ nhưng kinh kéo dài trên 10 ngày. Lượng kinh có thể nhiều, trung bình hay ít.

Cường kinh là khi lượng kinh ra nhiều bất thường.

Rong kinh và cường kinh thường gặp ở những năm đầu của tuổi dậy thì và trong thời kỳ tiền mãn kinh.

Rong huyết là hiện tượng ra máu không có chu kỳ, nhiều khi lầm với kinh nguyệt không đều.

Các trường hợp này được điều trị tùy theo nguyên nhân.

 

3. Kinh ít:

Lượng máu kinh của mỗi kỳ kinh rất ít, có thể nguyên nhân do nội mạc tử cung kém phát triển, dính buồng tử cung do hoạt động nội tiết của tử cung kém.

Các nguyên nhân gây ra kinh ít cần được xác định thật rõ nguyên nhân để điều trị, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

 

4. Kinh thưa:

Kinh thưa là chu kỳ kinh kéo dài trên 35 ngày. Thường do giai đoạn phát triển của nang noãn kéo dài nên đa số không cần điều trị.

 

5. Kinh mau (còn gọi là đa kinh):

Kinh mau là chu kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày. Thường do nang noãn sớm trưởng thành, giai đoạn phát triển ngắn. Điều trị thường dùng Estrogen đầu chu kỳ kinh, dùng thêm Progesterone ở nửa sau pha hoàng thể.

 

6. Lạc nội mạc tử cung:

Trong thời gian có kinh, cũng có tình trạng chảy máu ở những ổ nội mạc lạc chỗ ngoài buồng tử cung như ở buồng trứng, phúc mạc ổ bụng, âm đạo… gây nên triệu chứng đau. Cần thăm khám để điều trị phù hợp.

 

7. Thống kinh:

Thống kinh là hiện tượng đau bụng mỗi khi hành kinh, đôi khi kèm theo đau đầu, cương vú… Đa số các trường hợp thống kinh lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ, khi sạch kinh, các triệu chứng của nó cũng sẽ tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị gì.

 

Cần thông tin thêm hoặc liên hệ đặt lịch thăm khám tại bệnh viện, quý khách có thể gọi hotline: 1800 67 67 hoặc 090 1838 115.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3