HOTLINE

THÓI QUEN GIÚP KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

Ngoài tuân thủ việc dùng thuốc thì kiểm soát chế độ ăn, theo dõi tái khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm thường xuyên là những điều cần thiết cho người bệnh đái tháo đường, giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như phát hiện và phòng ngừa các biến chứng.

 

Sau đây là những lời khuyên từ BS.CKI Trần Huyền Trâm - Bác sĩ khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 


 

Đái tháo đường - căn bệnh nguy hiểm: 

BS.CKI Trần Huyền Trâm - Bác sĩ Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Đái tháo đường là một bệnh nguy hiểm vì bệnh thường diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng và có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến các cơ quan nếu không được kiểm soát và điều trị tốt.

 

 

Một số biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường:

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác, do đó thường được phát hiện trễ. Bệnh cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận mạn, đoạn chi không do chấn thương.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm các vấn đề về mắt, thần kinh, thận, tim và mạch máu. 

 

Tim mạch: Đường huyết tăng cao gây nên rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương, làm hình thành các mảng xơ vữa dẫn đến giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu, đột quỵ. Người mắc đái tháo đường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn người bình thường 2-3 lần và có gần hai phần ba người mắc đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch.

 

Suy thận: Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mao mạch ở cầu thận, làm thận phải hoạt động quá mức, về lâu dài gây ảnh hưởng đến chức năng thận dẫn đến suy thận, buộc người bệnh phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Biến chứng suy thận xuất hiện ở khoảng 50% người mắc đái tháo đường.

 

Biến chứng bàn chân: Biến chứng xảy ra do tổn thương thần kinh và mạch máu nuôi ở bàn chân. Vết thương hoại tử ở bàn chân không lành, ngày càng nặng lên dẫn đến đoạn chi. Có đến 15% người mắc đái tháo đường bị loét bàn chân tại một thời điểm nào đó trong đời.

 

Biến chứng về mắt: Có tới hơn một phần ba số người mắc đái tháo đường có biến chứng về bệnh lý võng mạc. Mặt khác, đái tháo đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mù lòa.

 

Giữ những thói quen và hình thành nguyên tắc sống với bệnh đái tháo đường:

 

Chế độ ăn hợp lý là nền tảng trong điều trị đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp người đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và giảm thiểu các biến chứng.

 

 

Vận động thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục cùng với chế độ ăn hợp lý được coi là nền tảng của mọi phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Bệnh nhân được khuyến khích vận động thường xuyên, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần.

 

 

Kiểm soát theo dõi đường huyết: Người bệnh cần thường xuyên đo và ghi lại nhật ký kết quả đo đường huyết tại nhà. Cần lưu ý các thời điểm đo bao gồm: đo đường huyết lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), trước khi ngủ, trước hoặc sau khi tập thể dục. Ngoài phương pháp sử dụng máy đo đường huyết thông thường, hiện nay các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục là kỹ thuật mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh ĐTĐ, đồng thời giúp bác sĩ đưa ra các tư vấn cần thiết, kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết cho người bệnh.

 

 

Thường xuyên chăm sóc đôi chân: Người bệnh nên tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hằng ngày để phòng khi có nứt da chân, chấn thương chân hoặc dấu hiệu nhiễm trùng chân. Nếu nhận thấy da đổi màu, da nứt nẻ, rộp phồng, các vết nứt sâu trên da, da bàn chân đỏ và sưng xung quanh móng chân, chảy dịch hoặc mưng mủ... người bệnh cần thăm khám với bác sĩ phụ trách để được chăm sóc y tế. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.

 

Thường xuyên khám mắt: Không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường gặp phải ở mắt mà hãy liên lạc với bác sĩ nhãn khoa để được giải đáp.

 

Uống đủ nước: Uống nhiều nước và các loại đồ uống không ngọt khác giúp thận đào thải lượng đường dư thừa trong nước tiểu.

 

Đi ngủ đúng giờ: Người bệnh đái tháo đường nên ngủ, thức đúng giờ. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya giúp nhịp sinh học cơ thể không bị xáo trộn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

 

Nói “KHÔNG” với chất kích thích: Tuyệt đối "nói không" với rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas và các chất kích thích có hại cho sức khỏe vì đây là "kẻ thù" của người bệnh tiểu đường.

 

Thăm khám hoặc liên hệ ngay bác sĩ khi mệt, sốt: Nếu có biểu hiện như nôn liên tục trong vòng trên 6 giờ (vì có nguy cơ cao bị mất nước); đường huyết cao trên 15,0 mmol/L liên tục trong 24 giờ; nghi ngờ bị nhiễm toan ceton như nôn, đau bụng, thở nhanh và hơi thở có mùi hoa quả thối; rối loạn ý thức; ngộ độc thức ăn; sốt; mệt nhiều nhưng không biết nguyên nhân hãy đến ngay bệnh viện để thăm khám, tuyệt đối không được tự ý chữa trị tại nhà.

 


 

Chia sẻ thêm về việc kiểm soát lượng đường huyết ở người Đái tháo đường, BS.CKI Trần Huyền Trâm khuyên: Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ việc sử dụng thuốc, đi khám bệnh định kỳ. Thêm vào đó, người cao tuổi cần được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn lành mạnh, hợp lý để duy trì thể lực tốt… Người cao tuổi nên duy trì chế độ tập thể dục hàng ngày với những bài tập phù hợp với độ tuổi để tăng cường sự dẻo dai, sức cơ và giữ thăng bằng nhằm tránh té ngã. Tuân thủ kế hoạch và hình thành thói quen sống lành mạnh là một cách tuyệt vời khác để giúp kiểm soát thành công lượng đường trong máu. Có vẻ cần lưu ý rất nhiều nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường, kiên trì sẽ đem lại kết quả lâu dài và ổn định.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3