HOTLINE

THỜI TIẾT THAY ĐỔI CẨN THẬN VỚI VIÊM THANH QUẢN CẤP

Khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thời đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Trong đó viêm thanh quản cấp là bệnh lý thường gặp ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Bài viết chuyên môn từ ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh - BS Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

 

1. Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Bệnh rất hiếm gặp khu trú mà thường lan rộng, phối hợp với viêm mũi họng cấp hay viêm khí phế quản cấp. Viêm thanh quản cấp có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng cũng rất khác nhau, tùy theo nguyên nhân và lứa tuổi bệnh được phân loại: viêm thanh quản cấp ở trẻ em và viêm thanh quản cấp ở người lớn, nhưng trẻ em thường hay gặp nhiều hơn.

 

 

2. Bệnh viêm thanh quản cấp có nguy hiểm không?

2.1. Với trẻ em

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em cần phải được theo dõi cẩn thận vì dễ gây khó thở thanh quản và có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Viêm thanh quản hạ thanh môn: Là bệnh lý gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Bệnh thường phát hiện về ban đêm trên trẻ nhỏ đang bị viêm mũi họng thông thường, tiến triển từ từ và đột nhiên xuất hiện triệu chứng khó thở thanh quản. Tiếng ho cứng, ông ổng, khó thở khi hít vào, giọng nói gần như bình thường nhưng sau đó trở nên trầm và cứng hơn.

Viêm thanh nhiệt: Thường ở trẻ 1-5 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Nắp thanh nhiệt bị sưng nề, nuốt đau, khó thở tăng tiết, nhiều nước bọt, cổ ngả về trước, khó thở tăng khi nằm ngửa thường do vi khuẩn Haemophilus Influenzae type B, thường kèm sốt cao và nuốt đau là dấu hiệu khởi phát.

Viêm thanh quản bạch hầu: Do vi khuẩn CORYNEBACTERIUM DIPHTHERIAE xâm nhập vào thanh quản gây phù nề và loét có màng giả. Màng giả trắng, dai, dính, bít tắc đường thở gây khó thở thanh quản nặng dần, nói khàn, kèm theo sốc nhiễm độc nội độc tố khiến tiên lượng rất nặng, dễ dẫn tới tử vong.

 

2.2 Với người lớn

Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường không gây ra các tình trạng nguy hiểm và có khả năng hồi phục tốt.

Viêm thanh quản do cúm: có thể do cúm đơn thuần hoặc kết hợp với vi khuẩn khác, gây nên các thể bệnh sau:

  • Thể xuất tiết: Bệnh nhân có sốt, mệt mỏi kéo dài. Khám thanh quản đôi khi có điểm xuất huyết dưới niêm mạc là dấu hiệu đặc hiệu của viêm thanh quản do cúm.
  • Thể phù nề: Là giai đoạn tiếp theo của xuất tiết, phù nề thường khu trú ở thanh nhiệt và mặt sau của sụn phễu. Người bệnh nuốt đau và đôi khi khó thở, tiếng nói ít thay đổi.
  • Thể loét: Soi thanh quản thấy những vết loét nông, bờ đỏ, sụn phễu và sụn thanh nhiệt bị phù nề.
  • Thể viêm tấy:

         - Triệu chứng toàn thân nặng, sốt cao, mạch nhanh, mặt hốc hác.

         - Khó nuốt, đau họng, nhói bên tai, giọng khàn đặc hoặc mất hẳn, khó thở thanh quản.

         - Vùng trước thanh quản viêm tấy, sưng to, ấn đau. Sau khi hết viêm bệnh để lại di chứng sẹo hẹp thanh quản.

  • Thể hoại tử: Màng sụn bị viêm và bị hoại tử, các tổ chức liên kết lỏng lẻo ở cổ bị viêm tấy, cứng hoặc viêm tấy mủ, thanh quản bị sưng to và có màng giả che phủ. Khó nói, nuốt đau và khó thở.

Triệu chứng toàn thân rầm rộ, nhiệt độ cao, mạch nhanh yếu, thở nhanh nông, huyết áp thấp, nước tiểu có Albumin, tiên lượng rất xấu, thường tử vong do phế quản viêm trụy tim mạch.

 

3. Điều trị viêm thanh quản

3.1 Nguyên tắc điều trị

Với viêm thanh quản không có khó thở

Quan trọng nhất là kiêng nói, tránh lạnh.

Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm, kháng Histamin H1, tiêu đờm, giảm ho...

Điều trị tại chỗ bằng các thuốc giảm viêm nhóm Corticoid, men tiêu viêm, tinh dầu...

Nâng cao sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng, chất điện giải.

Với viêm thanh quản có khó thở

Khó thở thanh quản độ I: Điều trị nội khoa.

Khó thở thanh quản độ II: Mở khí quản cấp cứu.

Khó thở thanh quản độ III: Mở khí quản cấp cứu kết hợp hồi sức tích cực.

 

3.2 Điều trị cụ thể

Kháng sinh

  • Nhóm Beta lactam:: Amoxicillin, cephalexin; các cephalosporin thế hệ 1,2; các thuốc kháng men
  • Nhóm macrolid: Azithromycin, roxithromycin, clarithromycin...

Kháng viêm

  • Chống viêm steroid: Prednisolon, methylprednisolon,
  • Chống viêm dạng men: Alphachymotrypsin, lysozyme...

Điều trị tại chỗ

  • Đắp khăn ấm, giữ ấm vùng cổ
  • Khí dung, bơm thuốc thanh quản bằng các hỗn dịch kháng viêm corticoid, kháng viêm dạng men, kháng sinh.
  • Súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn, giảm viêm tại chỗ: BBM...
  • Hạ sốt, giảm đau: Truyền dịch, paracetamol, aspirin...
  • Nâng đỡ cơ thể: Bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin, dinh dưỡng...

 

3.3 Một số lời khuyên để phòng bệnh:

 

 

  • Không để nhiễm lạnh, ẩm kéo dài
  • Tránh thuốc lá, rượu bia
  • Đeo khẩu trang chống bụi, lạnh khi làm việc
  • Điều trị tích cực các đợt viêm mũi họng cấp
  • Tiêm chủng cúm mùa mỗi năm

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Chuyên gia

LÊ NHẬT VINH
Ths.BS.CKII
LÊ NHẬT VINH
Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu
  • share1
  • zalo
  • share3