HOTLINE

THUỐC LÁ VÀ NGUY CƠ MẮC UNG THƯ PHỔI TĂNG CAO Ở THANH THIẾU NIÊN

Hiện nay, có nhiều học sinh, sinh viên nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nicotin, đặc biệt có một số trường hợp được phát hiện phổi bị tổn thương nghiêm trọng.

 

Vì sao số lượng học sinh sinh viên mắc bệnh phổi ngày càng tăng cao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ từ BS.CKI Nguyễn Minh Thuận - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Thuốc lá - Nguyên nhân gây ung thư phổi tăng cao ở thanh thiếu niênThuốc lá - Nguyên nhân gây ung thư phổi tăng cao ở thanh thiếu niên

1. Thực trạng học sinh sinh viên nhập viện vì các bệnh lý về phổi

Theo thông tin từ Bộ Y tế và Cổng thông tin chính phủ, hiện nay số lượng học sinh sinh viên sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử ngày càng tăng cao. Cụ thể:

  • Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh từ 13 - 15 tuổi tăng từ 0.2% (năm 2014) lên 0.8% (năm 2022), riêng ở nữ có xu hướng tăng cao.

  • Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13 - 15 tuổi chiếm 3.5% (trong đó nam chiếm 4.3%, nữ chiếm 2.8%) đứng thứ 2 về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chỉ sau nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi với 7.3%. Tỷ lệ này ở nhóm học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên tăng từ 0.2% (năm 2015) lên 3.6% (năm 2020).

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ học sinh, sinh viên nhập viện tăng cao do mắc các bệnh lý về phổi.

 

2. Tác hại khi sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử

 

Theo chuyên gia y tế thế giới, thuốc lá và thuốc lá điện tử đều chứa nicotine, đây là chất gây nghiện mạnh, làm người sử dụng trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm này. Việc duy trì sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên. Đặc biệt hơn là ảnh hưởng tới sức khỏe của thanh thiếu niên, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư phổi.

 

Theo GOLD 2008 (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease) đã thống kê, cứ 100 người hút thuốc lá thì có đến 50 người mắc COPD, hút thuốc lá điện tử hay thậm chí khi hút thuốc thụ động (ngửi khói thuốc lá) cũng có thể gây ra COPD. Đặc biệt, hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên có thể làm chậm sự phát triển và tăng trưởng của phổi. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển COPD ở tuổi trưởng thành. Cụ thể, nếu bắt đầu hút thuốc trước 15 tuổi có thể bị COPD ở độ tuổi 30.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15 – 30 lần so với những người không hút. Thêm vào đó, nguy cơ cũng sẽ tăng lên nếu tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên (hút thuốc thụ động).

 

3. Cách phòng ngừa ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mãn tính

 

Ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là hai bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng chúng ta cần:

  • Bỏ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử

  • Tránh xa khói thuốc lá và các chất độc hại gây các bệnh lý về phổi

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và ngăn ngừa bệnh kịp thời nếu có

 

Phương pháp ngăn ngừa bệnh ung thư phổi và COPDPhương pháp ngăn ngừa bệnh ung thư phổi và COPD

 

Đối với ung thư phổi, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi khối u chưa phát triển và lan rộng thì bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ (tốt nhất là 6 tháng/lần) để có thể tầm soát, phát hiện, ngăn ngừa và điều trị bệnh kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3