HOTLINE

VÌ SAO ĐỘT QUỴ DỄ XẢY RA VÀO MÙA LẠNH?

Theo thống kê từ một số bệnh viện tại Việt Nam, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại, các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người có tiểu sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn từ ThS.BS.CKII. Đỗ Anh Vũ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

dot_quy_mua_dong_3_01

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là thuật ngữ bác sĩ sử dụng khi một phần của não bị tổn thương do có vấn đề với dòng chảy của máu. Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào não. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Đột quỵ có thể xảy ra khi:

  • Một động mạch đi đến não bị tắc nghẽn và một phần của não không có máu nuôi trong thời gian quá dài
  • Động mạch não bị vỡ và chảy máu vào nhu mô não hoặc màng não

Các triệu chứng đột quỵ có xu hướng xảy ra đột ngột và ảnh hưởng vận động của người bệnh. Chúng sẽ nặng trong vòng 24 – 72 giờ đầu. Những dấu hiệu đột quỵ thường gặp bao gồm:

  • Đau đầu một cách đột ngột
  • Mất khả năng thăng bằng, đi đứng khó khăn
  • Bất tỉnh hoặc hôn mê
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Tầm nhìn bị tối hoặc mờ
  • Tê và yếu đi ở cánh tay, mặt hoặc chân ở một bên cơ thể
  • Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu.

 

Mối nguy cơ từ trời lạnh:

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não và dẫn đến xuất huyết não.

Một nguyên nhân khác khiến dễ bị bệnh đột quỵ vào mùa lạnh là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ cô đặc của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao thì khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao.

Hơn nữa, vào mùa lạnh chúng ta thường lười vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn. Ngoài ra trong thời đại hiện nay các yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông như: lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, đồng thời mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ cô đặc của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị đông và lưu lượng máu đến não giảm.

 

Bí quyết giúp ngăn ngừa đột quỵ trong mùa lạnh:

Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát nhiệt độ nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách sống, bất kể môi trường hay thời tiết để phòng nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh:

  • Luôn giữ ấm cơ thể: Vào mùa lạnh, bạn hãy nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc trong một không gian ấm áp, tránh tiếp xúc đột ngột với gió lạnh. Thường xuyên uống nước ấm, ăn những đồ ăn ấm nóng. Trường hợp phải ra ngoài trời, hãy trang bị bằng những bộ đồ ấm áp, đội mũ len, đeo khăn, găng tay, đặc biệt giữ ấm đầu và cổ. 
  • Ăn uống khoa học, lành mạnh: Không nên ăn những đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn chiên xào vì nó có thể làm tăng nguy cơ mỡ máu và hình thành cục máu đông. Thay vào đó, chúng ta nên ăn các loại rau xanh và trái cây, thực phẩm chứa nhiều omega-3, omega-6, chất béo tốt cho tim mạch, để phòng ngừa đột quỵ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhạt để tốt cho huyết áp và hoạt động của tim mạch.
  • Thói quen sống lành mạnh: Ngoài chế độ ăn uống khoa học, bạn cũng nên giữ một lối sống lành mạnh. Cụ thể như: Không nên hút thuốc lá, không nên uống rượu bia, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập phù hợp, thường xuyên theo dõi và duy trì chỉ số huyết áp, lượng cholesterol và chất béo trung tính, chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh, giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy.
  • Kiểm soát tốt các bệnh nền: Nếu những người đã có sẵn các bệnh lý tim mạch thì cần bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn. Mùa lạnh rất dễ mắc cúm và người tim mạch khi mắc cúm sẽ có thể xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có suy tim, đột quỵ,…
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát dịp cuối năm: Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3