HOTLINE

VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN - BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

Các bệnh hô hấp của trẻ đang tăng nhanh đặc biệt trong giai đoạn thời tiết trở lạnh, trong đó viêm tiểu phế quản là một bệnh hô hấp cấp tính có thể trở nên nghiêm trọng và có tần suất nhập viện cao đặc biệt trẻ nhỏ dưới 3 tháng, trẻ mắc các bệnh nền mãn tính.

 

ThS. BS Nguyễn Hữu Lĩnh - Phụ trách phòng khám Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Viêm tiểu phế quản là một nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh gây viêm và tăng tiết đàm nhớt trong đường thở nhỏ, làm cho trẻ thở khó hơn.

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng, tuy nhiên có thể xảy ra với trẻ đến 2 tuổi.

 

viem_phe_quan_01

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản:

Bệnh thường khởi đầu như cảm lạnh với triệu chứng ho ít, sổ mũi nghẹt mũi. Sau một vài ngày, trẻ có thể ho nhiều hơn và bắt đầu thở mệt hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Thở nhanh
  • Thở “ồn ào”, thở khò khè
  • Khó thở với co lõm ngực hay khoảng liên sườn, phập phồng cánh mũi; trẻ nhỏ có thể lắc lư đầu khi thở
  • Kích thích quấy khóc và sốt
  • Ăn uống kém

Triệu chứng thường nặng vào ngày thứ 2 hay thứ 3 của bệnh, tuy nhiên có thể kéo dài đến 10 ngày. Ho có thể kéo dài đến 4 tuần.

viem_phe_quan_02_1

 

Khi nào cần đến khám bác sĩ:

Nếu trẻ có các triệu chứng như trên cần đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa sớm

Nếu có khó thở hay ăn uống kém, trẻ có thể cần phải nhập viện để theo dõi, thở oxy nếu cần thiết. Trường hợp trẻ ăn uống kém, bác sĩ có thể hỗ trợ ăn qua sonde hay truyền dịch tĩnh mạch.

Một số trẻ có nguy cơ bệnh nặng hơn khi bị viêm tiểu phế quản. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có các triệu chứng của viêm tiểu phế quản và trẻ:

  • Sinh non
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch hay các bệnh nền mãn tính khác.

viem_phe_quan_03_1

 

Chăm sóc tại nhà:

Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Hầu hết trẻ viêm tiểu phế quản có thể điều trị tại nhà sau khi được đánh giá bởi bác sĩ Nhi khoa:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Cho ăn uống ít một, nhiều lần hơn trong ngày. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ mệt hơn khi ăn, và đề phòng mất nước.
  • Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý (loại nhỏ giọt hay xịt) có thể giúp bé ăn uống dễ hơn
  • Tránh khói thuốc lá
  • Kháng sinh không được sử dụng để điều trị viêm tiểu phế quản, ngoại trừ trường hợp có bội nhiễm

viem_phe_quan_04

 

Trẻ viêm tiểu phế quản cần tái khám nếu:

  • Ho nặng hơn
  • Ăn uống giảm hơn 50% so với bình thường hay từ chối uống nước
  • Trẻ có vẻ mệt hoặc ngủ li bì hơn bình thường
  • Bạn lo lắng vì bất kỳ nguyên nhân nào

 

Đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu trẻ:

  • Khó thở, thở nhanh hay thở không đều
  • Không thể ăn uống bình thường do ho hay khò khè
  • Thay đổi màu sắc mặt khi ho
  • Da tái hay đổ mồ hôi

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3