HOTLINE

Bệnh Lupus ban đỏ nguy hiểm như thế nào?

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

6_1

Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống, lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…

Nguyên nhân bệnh lupus ban đỏ?

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh chính xác của lupus ban đỏ hệ thống chưa được biết rõ. Cơ chế bệnh sinh của bệnh là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào và yếu tố môi trường.

Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể.

Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.

Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ?

Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận là lupus ban đỏ hệ thống là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố.

7_2

Trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới

Trong đó, có một số yếu tố có vai trò nổi bật hơn hẳn như:

  • Di truyền: người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.
  • Môi trường: do các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các loại hóa chất, ánh nắng mặt trời.
  • Nội tiết: bệnh gặp chủ yếu ở giới nữ trong độ tuổi sinh sản... Ngoài ra, một số thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

Người có tiền sử gia đình bị mắc lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.

Biểu hiện của lupus ban đỏ như thế nào?

Do là một bệnh hệ thống, lupus có biểu hiện hầu hết các cơ quan. Đồng thời, các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Đa số bắt đầu từ từ, tăng dần với sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân, đau khớp hoặc viêm khớp với biểu hiện tương tự trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Có một số yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh: nhiễm trùng, chấn thương, stress, thuốc… 

+ Toàn thân: sốt dai dẳng kéo dài, mệt mỏi, gầy sút.

+ Cơ xương khớp: đau hoặc viêm các khớp với biểu hiện tương tự trong bệnh viêm khớp dạng thấp song hiếm khi biến dạng khớp; đau cơ. Một số hiếm trường hợp có hoại tử xương (thường gặp hoại tử vô mạch đầu trên xương đùi).

+ Da niêm mạc: đây là triệu chứng thường dễ nhận thấy nhất. Có đến 3/4 số bệnh nhân tự thấy các ban đỏ nổi bất thường trên da, ban đỏ hình cánh bướm ở mặt (rất thường gặp), ban dạng đĩa (gặp trong thể mạn tính), nhạy cảm với ánh sáng (cháy, bỏng, xạm da sau khi tiếp xúc với ánh nắng), loét niêm mạc miệng, niêm mạc mũi, rụng tóc, viêm mao mạch dưới da.

+ Máu và cơ quan tạo máu: thiếu máu do viêm, thiếu máu huyết tán, chảy máu dưới da (do giảm tiểu cầu), lách to, hạch to.

+ Thần kinh tâm thần: rối loạn tâm thần, động kinh...

+ Tuần hoàn, hô hấp: thường gặp các triệu chứng tràn dịch màng tim, màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, viêm phổi kẽ. Các triệu chứng hiếm gặp: viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, hội chứng Raynaud, viêm tắc động mạch, tĩnh mạch...

+ Thận: rất thường gặp: protein niệu, tế bào trụ niệu, hội chứng thận hư, viêm cầu thận...

+ Gan: cổ trướng, rối loạn chức năng gan (hiếm gặp).

+ Mắt: giảm tiết nước mắt (Hội chứng Sjogren), viêm giác mạc, viêm kết mạc, viêm võng mạc.

Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng của lupus thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi xác chẩn được bệnh thì có thể đã chậm trễ vài năm.

Nguồn tham khảo: soyte.namdinh.gov.vn, sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp của bộ y tế.

 
  • share1
  • zalo
  • share3