HOTLINE

Bệnh sởi - Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nặng do vi-rút sởi gây ra. Bệnh sởi lây lan rất mạnh và có thể gây nên các đợt dịch lớn trước khi vắc xin sởi được giới thiệu vào năm 1963 (tử vong ước tính 2,6 triệu người/năm trong các đợt dịch này). Theo ước tính của WHO, trong năm 2022, có khoảng 136.000 người tử vong do bệnh sởi, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi mặc dù đã có vắc xin sởi hiệu quả, sẵn sàng và rất an toàn.   

 

Vậy triệu chứng của bệnh sởi là gì? Cách phòng tránh bệnh sởi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ từ Ths.BS Nguyễn Hữu Lĩnh - Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

1. Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể gây nên các biến chứng nặng thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng vắc xin sởi.

Tiêm chủng vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi hoặc tránh lây lan cho những người khác.

 

 

2. Triệu chứng và dấu hiệu bị sởi

Triệu chứng bệnh sởi thường xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút, dễ nhận biết nhất là hồng ban bắt đầu xuất hiện từ mặt lan xuống thân và tay chân. Các triệu chứng và dấu hiệu khác bao gồm:

  • Sốt cao từ 39 - 40 độ C, trẻ thường mệt

  • Viêm long hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi

  • Viêm kết mạc đỏ mắt ghèn, chảy nước mắt

  • Những đốm trắng nhỏ ở niêm mạc má - còn gọi là đốm Koplik

  • Ban da thường xuất hiện trong vòng 3 ngày và tồn tại 5-6 ngày, khi ban bay để lại vết thâm da

 

 

3. Biến chứng của bệnh sởi

Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi đều do các biến chứng liên quan đến bệnh. Các nhóm đối tượng dễ bị biến chứng bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch (ví dụ ung thư, HIV). Các biến chứng của sởi bao gồm: 

  • Viêm phổi

  • Viêm tai giữa

  • Viêm não

  • Viêm loét giác mạc, mù (nhiễm khuẩn hoặc thiếu vitamin A)

  • Tiêu chảy, có thể mất nước nặng

  • Suy dinh dưỡng (do hậu quả của các bệnh nhiễm trùng kéo dài hoặc quá kiêng khem)

 

4. Cách chăm sóc người mắc bệnh sởi

Khi mắc bệnh sởi, người bệnh nên được chăm sóc như sau:

  • Cách ly người bệnh, không để người bệnh đến nơi đông người để tránh lây nhiễm cộng đồng.

  • Cho người bệnh đeo khẩu trang y tế.

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi tại buồng thoáng khí, đủ ánh sáng.

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều.

  • Giữ ấm cơ thể.

  • Vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng tốt.

  • Nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc có thể sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, mỗi ngày nhỏ 3-4 lần.

  • Chườm ấm khi sốt nhẹ, nếu sốt cao > 38,5 độ C dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

  • Người chăm sóc và tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang y tế, thực hiện rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh.

 

Khi người bệnh (đặc biệt là trẻ em) bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: mệt, li bì, bú kém hoặc bỏ bú, sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở hay còn sốt khi ban đã hết thì gia đình cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

5. Làm thế nào để phòng tránh bệnh sởi

  • Tiêm vắc-xin phòng sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và lâu dài.

  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh - nếu tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang 

  • Rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ sau khi tiếp xúc với người bệnh.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ.

  • Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế tập trung đông người.

 

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3