HOTLINE

Bệnh thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm không?

Nếu thai phụ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu thì thai nhi sẽ có khả năng bị dị tật, sảy thai, hoặc nhiễm hội chứng thủy đậu bẩm sinh rất đáng sợ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh thủy đậu là bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp do nhiễm Varicella zoster virus, thường gặp ở trẻ em. Đặc biệt, nhiễm thủy đậu trong thai kỳ có nguy cơ gây ra các bất thường về thai, đặc biệt là trong 20 tuần đầu của thai kỳ.

43

Thủy đậu có tổn thương da khởi phát các ban đỏ, các sẩn sau đó nhanh chóng thành các mụn nước. Các mụn nước nhỏ, kích thước khoảng 2 - 3 mm, nông, lõm giữa. Mụn nước nhanh chóng hóa mụn mủ và đóng vảy tiết. Tổn thương thường xuất hiện đầu tiên ở mặt và đầu, sau đó lan xuống thân mình, các chi.

Thủy đậu ở phụ nữ có thai diễn biến bệnh thường nặng hơn so với người không mang thai. Các biến chứng bao gồm: viêm màng não, viêm não, viêm phổi, viêm cầu thận, viêm cơ tim, bệnh về mắt, nhiễm khuẩn thứ phát, thậm chí là tử vong.

Viêm phổi do thủy đậu là biến chứng hay gặp nhất trong thời kỳ mang thai, chiếm khoảng 10 - 20%. Bệnh thường phát triển trong vòng 1 tuần sau khi phát ban.

Nghiên cứu cho thấy: 0,4% phụ nữ có thai bị thủy đậu trước tuần thứ 12 sinh con mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh, nguy cơ tăng lên khoảng 2% nếu xảy ra trong tuần 13 đến tuần thứ 20 của thai kỳ. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là những bóng nước vỡ và để sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là:

  • Bất thường về thần kinh như: chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ, não úng thủy, co giật, hội chứng Horner.
  • Bất thường về mắt như: teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, tật nhãn cầu nhỏ, rung giật nhãn cầu.
  • Bất thường các chi: teo/ liệt tứ chi.
  • Bất thường về tiêu hóa: trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp/ tắc ruột…

Nếu người mẹ mang thai bị bệnh thủy đậu trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa hoặc thủy đậu sơ sinh do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.

Nếu người mẹ mang thai bị thủy đậu trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Trong số những trẻ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, có đến 30% trẻ tử vong trong những tháng đầu đời, và 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona trong 4 năm đầu đời.

Nếu người mẹ mang thai bị thủy đậu trong giai đoạn sớm của thai kỳ (tuần thứ 8 – 12) thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%.

Lời khuyên của bác sĩ:

Để tránh việc các sản phụ nhiễm thủy đậu trong thai kỳ, các chuyên gia cảnh báo: phụ nữ đến tuổi sinh sản, trước khi lập gia đình hay trước khi mang thai nên có chuẩn bị phòng ngừa các bệnh ảnh hưởng tới thai nhi bằng cách tiêm ngừa vắc xin, trong đó có 2 bệnh cần chú ý là rubella và thủy đậu. Nếu đang mang thai thì không khuyến cáo chích ngừa 2 vắc xin này.

Nếu chưa thể chích ngừa mà đã mang thai, nhất là trong 12 tuần đầu: phải bảo đảm vệ sinh (nhất là rửa tay), không nên đến chỗ đông người (nhất là những tháng có dịch, tháng 12 tới tháng 6 hàng năm), mang khẩu trang khi ra đường, tránh những nơi nghi có dịch hoặc có người bệnh.

Không chỉ phụ nữ mang thai, mà cả người lớn nói chung cũng nên chích ngừa thủy đậu để tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ và những phụ nữ có thai sống xung quanh.

Nguồn tham khảo: vtv.vn, vnvc.vn

 
  • share1
  • zalo
  • share3