HOTLINE

CÁCH GIẢM NGẠT KHÍ KHI CÓ ĐÁM CHÁY

Những ngày vừa qua, hàng loạt trang báo đưa thông tin về các vụ cháy nhà, chung cư gây nhiều thiệt hại nhiều về người và tài sản. Đa số những trường hợp thiệt mạng ở các vụ cháy nổ là do hít phải quá nhiều khí độc, các loại khí độc này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy. 

Khi có hỏa hoạn, chúng ta chỉ tập trung chạy thoát khỏi những ngọn lửa để tránh bị bỏng mà quên rằng ngạt khí độc cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.

Vậy làm thế nào để giảm ngạt khí khi có đám cháy? Hãy cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ từ BS.CKI Hồ Thanh Lịch – Phó khoa Hồi sức tích cực Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

1. Cách giảm ngạt khí khi có đám cháy

Để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta cần thực hiện các bước sau:

  • Nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín. 

  • Khi xung quanh có quá nhiều khói, để không hít phải quá nhiều khí độc, chúng ta cần hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối (vì khí thường sẽ lơ lửng ở trên). 

  • Tìm một mảnh vải và làm ẩm, sau đó đưa lên gần mũi miệng, mảnh vải ẩm này có công dụng lọc khí độc.

  • Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng.

2. Cách sơ cứu người bị ngạt khói khi thoát khỏi đám cháy

Đầu tiên, cần liên hệ đơn vị cấp cứu, trong quá trình đợi đội ngũ cấp cứu đến, chúng ta cần nắm rõ một số cách sơ cứu ban đầu để giúp nạn nhân qua khỏi một phần nguy hiểm. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà lựa chọn cách sơ cứu phù hợp.

  • Người còn tỉnh táo và có khả năng hô hấp được

Để nạn nhân nằm hoặc ngồi nghỉ ở chỗ thoáng khí, cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.

  • Nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn khả năng hô hấp được

Cho nạn nhân nằm nghiêng để đờm không làm tắc đường thở, nếu khu vực xung quanh có bình oxy nên cho nạn nhân thở ngay.

  • Nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường

Trong quá trình chờ xe cấp cứu, nếu nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở hoặc thở bất thường, chúng ta cần thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Thực hiện cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR) trong khoảng 2 phút theo các bước sau:

Bước 1:

Đặt nạn nhân nằm ngửa, trên nền phẳng, cứng. Bộc lộ vùng ngực

Quỳ/đứng ngang ngực nạn nhân

Bước 2:

Xác định chính xác vị trí ép tim tại 1/3 dưới xương ức:

Dùng ngón giữa miết dọc bờ sườn nạn nhân về phía mũi ức

Đặt ngón trỏ cạnh ngón giữa để đảm bảo vị trí ép cách mũi ức 2 khoát ngón tay

Bước 3: Ép tim đủ nhanh, đủ mạnh

Đặt gót bàn tay kia lên phía trên mu bàn tay đang đặt trên xương ức

Các ngón tay đan vào nhau

Duỗi thẳng 2 khuỷu tay vuông góc với thành ngực người bệnh và giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim

Dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5cm. Đảm bảo ép thẳng xuống xương ức.

Người lớn ưu tiên nhấn tim hơn thổi ngạt:

- 1 chu kỳ 2 phút

- Tần số 100-120 lần/phút

- Ấn sâu ít nhất 5cm

- Để ngực nảy lên hoàn toàn sau mỗi lần ấn tim

- Hạn chế tối thiểu mỗi lần gián đoạn ấn tim

Lưu ý:

Cuối mỗi lần ép, đảm bảo cho phép ngực nở hoàn toàn

Hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3