HOTLINE

CÁCH UỐNG RƯỢU BIA AN TOÀN VÀO DỊP LỄ TẾT

Hằng năm, vào dịp Tết, tổng lượng tiêu thụ rượu bia tăng lên đáng kể. Vì đây là một thức uống không thể thiếu trên những bàn tiệc. Tuy nhiên, sử dụng bia rượu quá mức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, chúng ta cần lưu ý và giữ chừng mực khi sử dụng bia rượu, đặc biệt vào dịp Tết.

Bài viết được tham vấn chuyên môn từ BS.CKI Nguyễn Minh Thuận - Phụ trách khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

 

Ảnh hưởng rượu bia đến sức khỏe

Khi nhắc đến tác hại của bia rượu, mọi người thường hay nghĩ đến các vấn đề về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế uống nhiều bia rượu còn gây tác hại đến sức khỏe con người:

Các bệnh lý liên quan đến gan: viêm gan, gan nhiễm mỡ. Sau khi uống, rượu sẽ được vận chuyển đến gan. Ở gan, cồn trong bia rượu sẽ được oxy hóa thành nước và CO2. Nhưng gan chỉ có thể chuyển hóa 2 đơn vị cồn mỗi ngày, vì vậy nếu uống nhiều rượu bia thì gan sẽ bị quá tải và không thể chuyển hóa hoàn toàn lượng cồn trong cơ thể, lâu dần làm suy yếu chức năng gan và gây ra nhiều bệnh lý về gan.

Các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa: viêm dạ dày, chảy máu dạ dày… Thực tế có khoảng 20% lượng cồn hấp thụ vào máu thông qua dạ dày và 80% còn lại hấp thụ qua ruột non. Vì vậy, uống rượu bia khi bụng đói sẽ dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày. Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến ngộ độc methanol, rối loạn thị lực, suy đa tạng.

Các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh: nếu uống nhiều bia rượu sẽ gây mất kiểm soát hành vi. Vì khi ta nạp lượng cồn quá mức sẽ dẫn đến nồng độ cồn trong máu cao, gây ra tình trạng hưng phấn, dễ kích động, mất kiểm soát hành vi...

 

Cách bảo vệ sức khỏe khi uống rượu bia trong ngày Tết

Uống rượu bia vào ngày lễ, tết là điều không thể thiếu. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Lựa chọn rượu bia rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, không sử dụng rượu bia chứa cồn công nghiệp hay chứa hàm lượng Methanol lớn hơn 0.1%.
  • Không sử dụng rượu bia ngâm với các loại lá cây, rễ cây, nội tạng động vật khi chưa xác định rõ độc tính.
  • Không uống rượu bia khi đói, khi mệt hoặc khi đang uống thuốc điều trị.
  • Kiểm soát lượng rượu bia uống vào, không uống rượu bia có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên.
  • Không nên tham gia các hoạt động ngoài trời, không điều khiển phương tiện giao thông dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Không sử dụng rượu bia khi đói sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Nên uống nước lọc, nước hoa quả… trước khi uống rượu bia vì điều đó có tác dụng giảm nồng độ cồn có trong rượu.
  • Sau khi uống rượu bia xong nên uống 1 cốc nước lọc, ăn chút tinh bột, chất đạm, hoặc ăn thêm hoa quả tươi như: bưởi, cam sẽ làm chậm quá trình hấp thu của rượu bia. 
  • Không cho trẻ em dưới 16 tuổi và phụ nữ mang thai sử dụng rượu bia.
  • Đối với người mắc các bệnh như: cao huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường… nên hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia.

 

 

Vào mỗi dịp lễ, Tết việc sử dụng rượu, bia là không thể tránh khỏi. Vì vậy, chúng ta cần phải uống một lượng vừa phải, chọn loại rượu bia rõ nguồn gốc và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh… để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

 

Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia

Mỗi ngày gan của chúng ta chỉ có thể chuyển hóa tối đa 2 đơn vị cồn. Nếu lượng cồn nạp vào cơ thể quá mức sẽ làm cho sức khỏe bị suy giảm. Vì vậy cần phải có 1 công thức để xác định chính xác lượng rượu bia 1 ngày chúng ta có thể sử dụng.

 

 

Công thức tính đơn vị cồn:

Đơn vị cồn = Dung tích(ml) x nồng độ (%) x 0.79( hệ số quy đổi)

Ví dụ: một lon bia có dung tích 330ml và nồng độ cồn 4.5% sẽ có số gam cồn là:

330 x 0,045 x 0,79 = 11.7g; tương đương 1,17 đơn vị cồn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3