HOTLINE

CẢNH GIÁC TRƯỚC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CỦA BỆNH SỞI

Tại thời điểm cuối năm 2024, số ca mắc sởi vẫn đang tăng nhanh từng ngày tại các tỉnh thành ở khu vực miền Nam nước ta. Theo thống kê từ Viện Pasteur TP.HCM, 20 tỉnh thành phía Nam đã có hơn 19.000 ca bệnh sởi, tăng 56,5 lần so với năm 2023. Hiện nay, tổng cộng có 63 ổ dịch tại 16 tỉnh thành, trong đó có 46 ổ dịch vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp gây ra bởi vi-rút sởi, thuộc họ Paramyxoviridae. Người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ chưa tiêm ngừa vắc xin) thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh sởi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, mù lòa, thậm chí có thể tử vong.

 

 

 

Bệnh sởi có thể được nhận biết qua một số dấu hiệu xuất hiện trên cơ thể, sau thời gian 10 - 14 ngày ủ bệnh:

  • Hồng ban bắt đầu xuất hiện từ vùng đầu, sau đó lan xuống tay, chân và toàn thân.
  • Sốt cao, từ 39 - 40 độ C.
  • Ho, hắt hơi, sổ mũi.
  • Viêm kết mạc.
  • Xuất hiện những đốm trắng nhỏ ở niêm mạc bên trong miệng, còn gọi là đốm Koplik.
  • Ban da thường xuất hiện trong vòng 3 ngày và tồn tại 5-6 ngày, khi ban da bắt đầu lặn xuống sẽ để lại những vết thâm da.

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh sởi trên cơ thể, người bệnh cần được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh sởi thường bao gồm:

  1. Measles IgM và Measles IgG: Phát hiện virus sởi sau 4 - 5 ngày phát ban.
  2. Measles PCR: Phát hiện virus sởi ngay tại thời kỳ ủ bệnh và 1-3 ngày sau phát ban.

 

Một số lưu ý khi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh sởi tại nhà:

  1. Người bệnh cần được cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
  2. Đeo khẩu trang y tế.
  3. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, đủ ánh sáng.
  4. Giữ ấm cơ thể.
  5. Thay quần áo, vệ sinh cơ thể và vệ sinh răng miệng thường xuyên.
  6. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, mỗi ngày nhỏ 3-4 lần.
  7. Chườm ấm khi sốt nhẹ, nếu sốt cao > 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  8. Người chăm sóc và tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang y tế, thực hiện rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3