Với sự thay đổi nhanh của công nghệ, cơn sốt mang tên ChatGPT xuất hiện như một công cụ có thể trả lời mọi câu hỏi của chúng ta trong thời gian ngắn. Tuy nhiên những thông tin được trả về từ ChatGPT không rõ tính xác thực là đúng hay sai nên người dùng khi tiếp nhận thông tin cần có sự chọn lọc.
Đối với lĩnh vực sức khỏe trước đây đã từng có những trường hợp bị bệnh nhưng không đi khám chỉ lên hỏi “bác sĩ Google” gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy với sự xuất hiện của một trợ lý ảo còn nhiều tranh cãi như ChatGPT có thể thay thế trong việc đưa ra phác đồ điều trị, chẩn đoán bệnh của các bác sĩ?
Chia sẻ về việc ChatGPT ảnh hưởng đến lĩnh vực y tế, BS.CKI Nguyễn Minh Thuận - Phụ trách khoa Khám bệnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn - cho biết: Nhờ có trí tuệ nhân tạo ChatGPT giúp mọi người có thể tìm kiếm thông tin trong thời gian ngắn, tuy nhiên đây chỉ là một công cụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm thông tin ban đầu và để thay thế được con người hay cụ thể hơn là ảnh hưởng lớn và thay thế hoàn toàn được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng là điều không thể.
Ngành y là một ngành đặc thù, thay vì ứng dụng lý thuyết để giải quyết công việc thì y học đòi hỏi công tác đào tạo nghiên cứu hết sức chặt chẽ, đặc biệt là quy trình thực hành thực tập bệnh viện nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế. Và chính vì thế, vai trò của bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ là không thể thay đổi trong quá trình khám chữa bệnh. Trí tuệ nhân tạo tham gia được một phần việc, ví dụ như cung cấp những thông tin lời khuyên về chế độ sinh hoạt, còn y bác sĩ phải làm nhiều việc để đưa đến kết quả tốt nhất trong quá trình điều trị của bệnh nhân từ chẩn đoán tìm ra bệnh, phẫu thuật, tiêm ngừa, hồi sức…
Chưa kể, tùy vào từng bệnh cụ thể cần có những chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm để đưa ra kết luận phù hợp. ChatGPT là trợ lý ảo chưa được kiểm định thông tin có chính xác không và cũng không thể thay thế tình cảm, cảm xúc của con người. Sự động viên, cử chỉ, gương mặt thân thiện đem lại niềm tin tưởng, cảm giác tích cực cho người bệnh là điều mà chỉ nhân viên y tế có được.
Tuy nhiên, xét theo phương diện tích cực ChatGPT ra đời cũng là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ và nhờ trí tuệ nhân tạo và các công cụ hỗ trợ có thể giúp nâng cao chất lượng y tế trong tương lai. Khi có trợ lý ảo này, nhân viên y tế sẽ có thêm công cụ hỗ trợ tìm kiếm thông tin, hình ảnh, video cho việc chẩn đoán bệnh hay các ca mổ nhanh hơn, thay vì phải đọc tài liệu dàn trải. Từ đó, thuận tiện hơn trong việc cứu chữa bệnh nhân.
Để theo kịp với công nghệ hiện đại, mỗi cá nhân cũng cần trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng trước khi sử dụng ChatGPT, để trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác có thể kịp thời phát hiện, tránh chẩn đoán điều trị sai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Theo Th.S-BS Calvin Q Trịnh - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh Viện 1A), ChatGPT là một công cụ được điều khiển bằng công nghệ AI. Việc các cá nhân tự áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là điều hết sức nên tránh, vì ChatGPT chưa có khả năng phân tích tổng hợp, để đưa ra chẩn đoán và điều trị dựa trên các triệu chứng từng cá thể.
ChatGPT cũng không có khả năng thăm khám để chẩn đoán xác định hay loại trừ. Thậm chí ngay cả bệnh nhân cung cấp thông tin mô tả triệu chứng bệnh tật còn chưa chính xác dẫn đến những chỉ dẫn từ ChatGPT không cơ sở. Và khi người bệnh làm theo có thể để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Hiện tại cũng chưa có bất kỳ tổ chức y tế nào khuyên dùng chat GPT để đưa ra những lời khuyên trong lĩnh vực sức khỏe.
Nguồn: Thanh niên
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn