HOTLINE

Đậu mùa khỉ: Triệu chứng, cách phòng ngừa và nguy cơ thành dịch

Hiện bệnh đậu mùa khỉ chưa lây lan nhanh, tuy nhiên theo các chuyên gia nếu không có biện pháp chủng ngừa kịp thời, có thể bùng phát thành dịch trong thời gian tới.

 

Th.S-BS Hàn Tiểu Sảo - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, đậu mùa khỉ là loại virus hiếm gặp có họ hàng với đậu mùa, có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết vết thương cũng như qua các vật dụng dùng chung như khăn trải giường và khăn tắm. Hầu hết người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường là trẻ em.

 

Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua một số quá trình từ rát đến nổi mẩn, rồi mụn nước và mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo.

 

 

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban giống thủy đậu trên tay, mặt. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Một khi đã bị sốt, biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban mẩn ngứa từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Số lượng mụn mủ nước có thể xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt. Những nốt mụn mủ này sẽ "chín" lên rồi vỡ ra rất xấu xí. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.

 

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền nguy hiểm không?

Không giống virus gây Covid-19 có thể lây lan qua không khí và các giọt bắn hô hấp, bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần hơn nhiều. Khi dùng chung giường, quần áo hoặc bàn chải đánh răng với người bị nhiễm bệnh sẽ có rủi ro cao hơn.

Con người có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua 3 con đường chính.

  • Một là từ vết cắn hoặc vết xước của động vật mang virus.
  • Hai là khi ăn thịt động vật mắc bệnh.
  • Ba là tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.

"Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Ở người, virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, song, nó không thể văng xa đến vài mét, vì vậy phải tiếp xúc gần mới có thể lây nhiễm", BS Tiểu Sảo chia sẻ.

 

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây đợt bùng phát lần này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 3 đặc điểm bất thường trong các ca bệnh đầu tiên gồm: gần như toàn bộ bệnh nhân không đi đến vùng mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu; hầu hết được phát hiện qua các dịch vụ sức khỏe tình dục và những người nam có quan hệ với người cùng giới; việc lây lan rộng cho thấy bệnh đã âm thầm xuất hiện trong một khoảng thời gian.

 

Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

BS Hàn Tiểu Sảo khuyến cáo: đậu mùa khỉ có thể phòng ngừa thông qua các biện pháp như tự cách ly và vệ sinh. Người mắc đậu mùa khỉ thường sẽ tự khỏi sau khoảng 2 - 4 tuần.

Một số loại thuốc chống virus có thể kể đến như thuốc kháng virus mới tecovirimat (gần đây đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa) cùng thuốc kháng vi rút cidofovir, các thuốc nghiên cứu brincidofovir (CMX001).

Tuy nhiên, không có loại thuốc nào đã được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch lưu hành để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

 

Nguồn: báo Thanh niên

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3