HOTLINE

ĐỘT QUỴ - “QUẢ BOOM HẸN GIỜ” MỌI THỜI ĐẠI

Bộ Y tế Việt Nam thống kê, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt bị đột quỵ. Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay đáng báo động là bệnh nhân đột quỵ đang có dấu hiệu trẻ hóa dần. Vậy Đột quỵ là gì? Dấu hiệu đột quỵ bao gồm những gì? Đột quỵ được điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs CKII. Đỗ Anh Vũ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn


Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là thuật ngữ bác sĩ sử dụng khi một phần của não bị tổn thương do có vấn đề với dòng chảy của máu. Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào não. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Đột quỵ có thể xảy ra khi:

● Một động mạch đi đến não bị tắc nghẽn và một phần của não không có máu nuôi trong thời gian quá dài

● Động mạch não bị vỡ và bắt đầu chảy máu vào nhu mô não hoặc màng não

Đột quỵ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Theo các chuyên gia Y tế, những người sống sót sau đột quỵ có thể gặp các khuyết tật trên diện rộng. Ví dụ, một số người bị liệt một phần hoặc không thể nói được, bao gồm khó khăn về khả năng vận động và giọng nói, cũng như cách họ suy nghĩ và cảm nhận.

Tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới.

Làm thế nào để nhận biết sớm cơn đột quỵ?

Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa khẩn cấp, các triệu chứng thường đến đột ngột. Chính vì vậy khi có các dấu hiệu liên quan đến "BE FAST" - Mỗi chữ cái trong từ đại diện cho một trong những điều bạn nên theo dõi và những việc cần làm nhanh chóng

  • Cân bằng (B-BALANCE) - Người đó có gặp khó khăn khi đứng hoặc đi không?
  • Mắt (E-EYE) - Người đó có gặp khó khăn với tầm nhìn của họ không?
  • Khuôn mặt (F-FACE) - Khuôn mặt của người đó trông không đồng đều hoặc bị xệ ở một bên?
  • Cánh tay (A-ARM) - Người đó có bị yếu hoặc tê ở một hoặc cả hai cánh tay không? Một cánh tay có bị trôi xuống nếu người đó cố gắng đưa cả hai cánh tay ra không?
  • Lời nói (S-SPEECH) - Người đó có khó nói không?
  • Thời gian (T-TIME) - Chỉ có 3 giờ vàng để cấp cứu, vì vậy cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt
postBEFAST_DOTQUY_baiviet_1940x958

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào trong số này, hãy gọi cấp cứu 115 (tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn gọi hotline 02836222218). Bạn cần phải hành động NHANH CHÓNG. Bắt đầu điều trị càng sớm, cơ hội phục hồi càng cao.

Có các loại đột quỵ nào?

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.

Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là có thể do tăng huyết áp, vỡ túi phình động mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch não tiềm ẩn trước đó...

Thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ nhưng nó không làm tổn thương não bởi chúng là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, kéo dài khoảng vài phút. Xảy ra khi một động mạch trong não bị tắc nghẽn và sau đó tự tái thông trở lạiĐiều này có thể xảy ra nếu một cục máu đông hình thành và sau đó trôi đi nơi khác hoặc tan ra.

Đột quỵ được điều trị như thế nào?

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ

Thời gian vàng” được hiểu là thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất. Thông thường là 3 giờ đầu tiên sau đột quỵ; từ 4 đến 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tiêu sợi huyết và trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối cơ học.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào loại đột quỵ bạn đang gặp phải. Bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định những biện pháp cấp cứu, can thiệp cần thiết

Những người bị đột quỵ do động mạch bị tắc nghẽn có thể:

  • Điều trị bằng phương pháp giúp mở thông các động mạch bị tắc nghẽn. Những phương pháp điều trị này có thể giúp bạn phục hồi sau đột quỵ.
  • Sử dụng các loại thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Những loại thuốc này cũng giúp ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.

Những người bị đột quỵ do xuất huyết có thể:

  • Thực hiện các phương pháp điều trị có thể làm giảm tổn thương do chảy máu trong nhu mô hoặc màng não.
  • Ngừng dùng thuốc làm tăng chảy máu hoặc dùng liều thấp hơn.
  • Phẫu thuật hoặc thủ thuật để điều trị bít các mạch máu để ngăn chảy máu. 

Có thể ngăn ngừa đột quỵ không?

Nhiều đột quỵ có thể được ngăn ngừa, mặc dù không phải tất cả. Bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ bằng cách:

Thay đổi lối sống:

  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não.
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
  • Chế độ ăn phù hợp: Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, ít muối và các sản phẩm từ sữa ít béo và ít thịt, đồ ngọt và ngũ cốc tinh chế (chẳng hạn như bánh mì trắng hoặc gạo trắng)
  • Hạn chế uống rượu và sử dụng các chất kích thích

          - Nếu bạn là phụ nữ, không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày

          - Nếu bạn là đàn ông, không nên uống quá 2 ly mỗi ngày   

Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn. Các loại thuốc đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ bao gồm:

  • Thuốc huyết áp: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
  • Thuốc có nhóm statin: kiểm soát cholesterol trong máu.
  • Thuốc để ngăn ngừa cục máu đông, chẳng hạn như aspirin hoặc thuốc làm loãng máu.
  • Thuốc giúp giữ lượng đường trong máu của bạn gần mức bình thường nhất có thể (nếu bạn bị tiểu đường).

Và quan trọng hơn, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

 
  • share1
  • zalo
  • share3