Hội chứng chảy dịch mũi sau là một bệnh lý phổ biến mà bất kì ai cũng đã từng gặp phải. Việc dịch mũi chảy ra phía sau họng sẽ tác động đến vùng họng gây viêm, thậm chí ảnh hưởng đến đường hô hấp, tiêu hóa.
Vậy nguyên nhân nào gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau và phương pháp điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ từ ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh - Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Thông thường các tuyến trong mũi và cổ họng liên tục tiết ra từ 1 đến dưới 2 lít chất nhầy mỗi ngày để chống lại nhiễm trùng, làm ẩm không khí, loại bỏ các dị vật, làm ẩm và làm sạch niêm mạc màng mũi.
Tuy nhiên, khi cơ thể bắt đầu sản xuất chất nhầy nhiều hơn bình thường, các chất nhầy này sẽ tích tụ trong hệ thống xoang sau đó chảy qua mũi và xuống đến thành sau họng. Tình trạng này gọi là hội chứng chảy dịch mũi sau.
Hội chứng chảy dịch mũi sau thường xuất phát do dị ứng theo mùa, thời tiết lạnh, nhiễm trùng và viêm mũi xoang. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể trở thành tác nhân gây nên hội chứng gồm có:
Chất gây kích ứng như nước tẩy rửa, nước hoa và khói bụi.
Ăn thức ăn cay.
Hút thuốc lá.
Mang thai.
Dị vật kẹt trong mũi.
Tác dụng phụ của thuốc.
Tình trạng hô hấp mãn tính (COPD).
Người bệnh có dịch mũi chảy xuống họng thường có các biểu hiện như:
Hôi miệng
Cảm giác nghẹn ở họng.
Ho, đau và ngứa họng.
Cảm giác buồn nôn.
Hắng giọng do có dịch nhầy ở họng.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện thường xuyên hơn khi quá trình chảy dịch mũi sau không được xử lý. Do đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh các biến chứng nặng như viêm loét đường tiêu hóa hay viêm amidan.
Tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của hội chứng chảy dịch mũi sau mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn:
Do dị ứng: Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc xịt mũi… ngoài ra cần loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, sợi bông vải, thực phẩm, lông súc vật…
Do không khí khô, lạnh: Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, tránh mũi hít thở không khí lạnh, sử dụng máy tạo độ ẩm không khí.
Do nhiễm khuẩn: Cần phải điều trị triệt để tránh nhiễm khuẩn hệ thống mũi xoang. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, thuốc làm loãng dịch nhầy…
Do viêm xoang: Khám xác định nguyên nhân viêm xoang như vẹo vách ngăn, polyp mũi, phì đại cuốn mũi,... Điều trị nguyên nhân và chăm sóc mũi xoang để giảm tình trạng viêm xoang tái phát.
Để phòng ngừa dịch mũi chảy xuống họng, người bệnh cần:
Nằm cao đầu khi ngủ góp phần thoát dịch mũi đồng thời uống nhiều nước để tránh mất nước và loãng dịch nhầy.
Uống nước ấm và mật ong cũng giúp làm giảm cảm giác đau rát, khó chịu ở họng.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vỏ gối, vỏ chăn để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh.
Vệ sinh hệ thống lọc không khí thường xuyên.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn