Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý do dây thần kinh giữa (dây thần kinh duy nhất đi qua ống cổ tay) bị chèn ép, gây ra tình trạng tê, ngứa ran và yếu ở bàn tay.
Nguyên nhân hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay bao gồm dây thần kinh giữa và gân cơ gấp các ngón tay, được bao quanh bởi mạc giữ gân gấp và các vách là bờ của các xương cổ tay. Chính vì nằm trong một cấu trúc không co giãn được nên khi có sự tăng thể tích của các gân cơ gấp bị viêm hay các cử động gấp duỗi cổ tay quá mức và thường xuyên sẽ tạo một lực chèn ép lên dây thần kinh giữa, gây ra hội chứng ống cổ tay.
Bất cứ tác động chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Thông thường, hội chứng ống cổ tay không đến từ 1 nguyên nhân duy nhất, có thể là sự kết hợp của các yếu tố như gãy cổ tay có thể làm thu hẹp ống cổ tay và kích thích dây thần kinh, sưng và viêm do viêm khớp dạng thấp gây chèn ép dây thần kinh.
Triệu chứng hội chứng ống cổ tay
Các triệu chứng hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện từ từ, bao gồm:
- Ngứa ran hoặc tê: Người bệnh có thể nhận thấy ngứa ran hoặc tê ở bàn tay, ngón tay (bao gồm ngón cái và ngón trỏ, ngón giữa hoặc ngón đeo nhẫn, trừ ngón út). Đôi khi có cảm giác như bị điện giật ở những ngón tay này. Cảm giác ngứa ran hoặc tê có thể đi từ cổ tay lên cánh tay. Những triệu chứng này thường xảy ra khi đang cầm vô lăng, điện thoại hoặc tờ báo, thậm chí có thể khiến người bệnh thức giấc. Lâu dần, cảm giác tê có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
- Yếu tay: Người bệnh có thể bị yếu tay và làm rơi đồ vật, do dây thần kinh giữa bị rối loạn khả năng chi phối các cơ vận động, gây yếu cơ chụm ngón tay cái.
Các yếu tố nguy cơ bị hội chứng cổ tay
Một số yếu tố có liên quan đến hội chứng ống cổ tay. Mặc dù có thể không trực tiếp gây ra hội chứng ống cổ tay, nhưng chúng có thể làm tăng nguy cơ kích ứng hoặc tổn thương dây thần kinh giữa. Bao gồm:
- Các yếu tố giải phẫu: Gãy hoặc trật khớp cổ tay, hoặc viêm khớp làm biến dạng các xương nhỏ ở cổ tay, có thể làm thay đổi không gian bên trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Những người có ống cổ tay nhỏ hơn có thể dễ mắc hội chứng ống cổ tay hơn.
- Giới tính: Hội chứng ống cổ tay thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Điều này có thể là do diện tích ống cổ tay ở phụ nữ tương đối nhỏ hơn ở nam giới. Phụ nữ mắc hội chứng ống cổ tay cũng có thể có ống cổ tay nhỏ hơn so với những phụ nữ không mắc bệnh này.
- Tình trạng tổn thương thần kinh: Một số bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh, bao gồm cả tổn thương dây thần kinh giữa.
- Tình trạng viêm: Viêm khớp dạng thấp và các tình trạng khác có thành phần viêm có thể ảnh hưởng đến lớp lót xung quanh gân ở cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
- Thuốc: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa hội chứng ống cổ tay và việc sử dụng anastrozole (Arimidex), một loại thuốc dùng để điều trị ung thư vú.
- Béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ của hội chứng ống cổ tay.
- Dịch cơ thể thay đổi: Giữ nước có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay, gây kích thích dây thần kinh giữa. Điều này là phổ biến trong thời kỳ mang thai và mãn kinh. Hội chứng ống cổ tay liên quan đến thai kỳ thường tự khỏi sau khi mang thai.
- Yếu tố sức khỏe khác: Một số yếu tố như mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, suy thận và phù bạch huyết, có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
- Công việc: Làm việc với các công cụ rung hoặc trên một dây chuyền lắp ráp đòi hỏi phải uốn cong cổ tay trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại có thể tạo áp lực có hại lên dây thần kinh giữa hoặc làm trầm trọng thêm tổn thương thần kinh hiện có, đặc biệt nếu công việc được thực hiện trong môi trường lạnh.
Điều trị hội chứng ống cổ tay
Khi các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay cản trở các hoạt động bình thường và giấc ngủ của người bệnh, có thể gây tổn thương cơ và thần kinh vĩnh viễn, vì vậy người bệnh cần điều trị để tránh những biến chứng không mong muốn.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp chữa trị gồm:
- Điều trị nội khoa: Được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng ống cổ tay trên lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid, hoặc dùng corticoid đường uống; đồng thời hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay.
- Dùng nẹp cổ tay: Phương pháp này có thể thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Những nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có thể làm cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị.
- Điều trị ngoại khoa: Được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Không có phương pháp nào được chứng minh để ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay, nhưng người bệnh có thể giảm thiểu căng thẳng cho bàn tay và cổ tay bằng các phương pháp sau:
- Giảm lực và thư giãn tay cầm: Ví dụ, nếu công việc của người bệnh liên quan đến máy tính tiền hoặc bàn phím, hãy nhấn phím nhẹ nhàng. Đối với công việc phải viết tay thường xuyên, hãy sử dụng những cây bút lớn với đầu nối mềm.
- Nghỉ giải lao ngắn, thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và uốn cong bàn tay và cổ tay theo định kỳ. Luân phiên các công việc khác nhau khi có thể, điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh sử dụng thiết bị rung hoặc thiết bị đòi hỏi phải tác dụng một lực lớn, chỉ một vài phút mỗi giờ cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
- Tư thế cổ tay: Tránh uốn cong cổ tay lên hoặc xuống.
- Tư thế không đúng khiến vai hướng về phía trước. Điều này có thể ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay và bàn tay, đồng thời có thể gây đau cổ.
- Thay đổi chuột máy tính: Đảm bảo rằng chuột máy tính thoải mái và không làm mỏi cổ tay.
- Giữ ấm tay: Người bệnh có nhiều khả năng bị đau và cứng tay nếu làm việc trong môi trường lạnh. Nếu không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay để giữ ấm cho bàn tay và cổ tay.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn