Theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới của Omicron XBB.1.16 gây bệnh nặng và tử vong cao hơn nhưng chúng có tốc độ lây lan nhanh hơn, do đó cần nâng cao các biện pháp phòng ngừa.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi biến thể XBB.1.16 của Omicron, hiện đã xuất hiện ở khoảng 20 quốc gia, làm gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong tuần từ 9-15.4, XBB.1.16 chiếm 7,2% tổng số ca mắc mới tại Mỹ, tăng từ mức 3,9% trong tuần trước đó.
BS.CKI Nguyễn Minh Thuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết biến thể XBB.1.16 là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đã được phát hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này nguy hiểm hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
"Mặc dù WHO báo động về tốc độ nhân lên nhanh của biến thể XBB.1.16 nhưng hiện nó vẫn là biến thể của chủng Omicron nên không gây ra các triệu chứng nặng", bác sĩ Thuận chia sẻ.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết biến thế mới của Omicron XBB.1.16 có tốc độ lây lan nhanh hơn là điều tất yếu. Chính vì nó lây nhanh nên mới chiếm ưu thế so với biến thể trước đó, tuy nhiên độc lực sẽ giảm, do đó người dân không nên quá hoang mang mà cần tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch trước đó để tránh lây lan.
Theo bác sĩ Thuận, các triệu chứng Covid-19 điển hình khi mắc biến thể XBB.1.16 không khác với các biến thể COVID-19 trước đây như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, đau cơ, tiêu chảy.
Một triệu chứng khác biệt so với trước đây được ghi nhận tại Ấn Độ gồm viêm kết mạc, ngứa hoặc đau mắt đỏ. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày tùy từng người. Mất vị giác và khứu giác (phổ biến khi nhiễm biến thể Alpha và Delta) vẫn có thể xảy ra trong một số trường hợp nhưng ít gặp hơn nhiều.
Theo bác sĩ Thuận, chúng ta có lợi thế khi đã hiểu biết nhiều về Covid-19 qua những đợt đỉnh dịch lần trước. Từ những kinh nghiệm đó phát huy năng lực phòng chống dịch, cách đáp ứng đều tăng lên và linh hoạt hơn. Hiện tại việc tiêm vắc xin để có miễn dịch cao với virus gây bệnh cũng đã được thực hiện cùng những biện pháp phòng ngừa an toàn, linh hoạt...
Cần đeo khẩu trang che mũi và miệng ở nơi công cộng hoặc khi ở gần những người không cùng nhà. Thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh những nơi đông đúc và kém thông thoáng. Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn. Hãy tiêm phòng COVID-19 càng sớm càng tốt nếu bạn đủ điều kiện và chưa tiêm phòng, cân nhắc các mũi tiêm tăng cường và nhắc lại nếu bạn đủ điều kiện.
Nếu bạn có các triệu chứng Covid-19, chẳng hạn như sốt, ho, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, hãy tự cách ly tại nhà và tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Tuân thủ các hướng dẫn và quy định của cơ quan y tế địa phương về xét nghiệm, kiểm dịch và cách ly. Nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nước và hoa quả, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Người có bệnh nền hoặc tình trạng sức khỏe yếu nên đi thăm khám để nhận được tư vấn của bác sĩ.
Nguồn: Báo Thanh niên
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn