Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, vào nửa đầu tháng 2, TPHCM đã có một đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ở khu vực trung tâm thành phố là trên 36 độ C. Bước vào những ngày cuối tháng 2, các tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng, thời tiết oi bức, nền nhiệt chạm ngưỡng 37 độ C.
Theo đánh giá, năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn mọi năm trên diện rộng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Dự báo TPHCM và khu vực Nam Bộ sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3 - 4. Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, tại nhiều bệnh viện, lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị các bệnh lý do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gây ra cũng gia tăng. Tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) trong đợt nắng nóng cao điểm những ngày qua đã tiếp nhận lượng bệnh tăng từ 5 - 10% so với thời điểm tháng trước.
Trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đái tháo đường và tăng huyết áp. Đặc biệt nhóm trẻ đến khám các bệnh như viêm phổi, hô hấp, tiêu chảy, cúm A, cảm sốt chiếm tỷ lệ cao.
ThS.BS CKII Lê Nhật Vinh, Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, nắng nóng kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, hoa mắt, chóng mặt. Không những thế nắng nóng còn là điều kiện để virus và vi khuẩn hoạt động cực mạnh, đe dọa rất lớn đến sức khỏe.
Một số bệnh lý thường gặp khi thời tiết nắng nóng như hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, sỏi thận. Theo bác sĩ, khi thời tiết thay đổi đột ngột và cơ thể buộc phải thích nghi theo, chế độ ăn uống cũng thay đổi nên dễ bị mắc bệnh hơn. Nhiệt độ cũng làm cho thức ăn dễ bị hư hỏng nên với những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh thì khi ăn vào sẽ gây tăng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp do vi khuẩn, virus phát triển mạnh trong môi trường nóng ẩm. Tăng nguy cơ đột quỵ do ảnh hưởng đến hệ tim mạch, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền. Bên cạnh đó, nguy cơ sỏi thận cao do mất nước, bài tiết nước tiểu ít.
Để phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra, bác sĩ Vinh khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như uống nhiều nước, bổ sung điện giải; hạn chế ra ngoài trời nắng, nhất là trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Bên cạnh đó, cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, màu sáng; sử dụng kem chống nắng, mũ, nón, kính râm khi ra ngoài.
Đồng thời, cần ăn uống hợp vệ sinh, bổ sung vitamine, khoáng chất. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh bật điều hòa quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài. Tập thể dục đều đặn hàng ngày bằng bài tập thể dục buổi sáng. Đặc biệt, với người cao tuổi và người có bệnh nền thì cần thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe.
"Với những người mắc bệnh mãn tính cần phải sử dụng thuốc, chế độ ăn uống theo đúng y lệnh của bác sĩ để kiểm soát được sự thay đổi của đường huyết, huyết áp… trong những ngày thời tiết thay đổi. Những người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát được bệnh ngay từ nhà, tránh thức khuya, lối sống sinh hoạt đúng cách, ăn uống đầy đủ", bác sĩ Vinh nói và lưu ý khi có các triệu chứng bất thường như sốt cao, khó thở, đau đầu, chóng mặt, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ, khi nắng nóng, nhiều người có thói quen bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp, lúc đó nhiệt độ ở trong phòng lạnh nhưng bên ngoài lại quá nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn trong phòng và ngoài trời sẽ làm cơ thể không thích ứng kịp khi từ trong phòng ra ngoài hoặc ngược lại. Nắng nóng đột ngột có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ cao bị đột quỵ. Mất nước do đổ mồ hôi nhiều có thể làm giảm lượng máu lưu thông, ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Đối với trẻ em khi khát nước thường uống nước lạnh để bù khát, chính điều này ảnh hưởng đến đường họng, gây viêm họng. |
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn