Người bệnh tim mạch nên ăn các loại trái cây, rau xanh, hạt, ngũ cốc nguyên cám... tránh dùng dầu thực vật tinh luyện có thành phần dầu cọ, dầu olein, thịt đỏ, thực phẩm lên men.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết cholesterol trong máu tăng là nguyên nhân thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, động mạch vành. Với một người bệnh tim mạch thì chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol, chất béo sẽ làm tăng nguy cơ khiến cho bệnh tim trở nên trầm trọng.
Vì thế, ngoài việc sử dụng thuốc và các can thiệp từ y tế thì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phòng ngừa, điều trị và ngăn bệnh tiến triển hay tái phát.
Theo bác sĩ Hà, một chế độ ăn khoa học đóng vai trò trong điều trị bệnh tim, một số nguyên tắc cần lưu ý trong thực đơn cho một trái tim khỏe mạnh như: hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri như thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp; tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ; cân bằng khoáng chất kali trong khẩu phần ăn; hạn chế các loại chất béo không lành mạnh như da, mỡ, nội tạng, dầu cọ, bơ thực vật margarine; không sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
Nhìn chung, ngoài việc tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, làm tăng cholesterol máu thì người mắc bệnh tim còn cần tăng cường những loại thực phẩm có lợi.
Các loại trái cây: Chuối, cam, quýt, dưa hấu, dưa lưới, lựu, dâu tây, trái cây sấy... rất tốt cho tim mạch. Chuối cùng nhiều loại hoa quả khác chứa khá nhiều kali, đây là một loại khoáng chất có lợi, giúp kiểm soát huyết áp, duy trì ổn định áp lực dòng máu và hoạt động của tim. Ngoài ra, các loại trái cây này còn chứa chất xơ giúp làm giảm hấp thu cholesterol xấu trong máu, là nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch.
Các loại đậu và hạt: Đậu Hà Lan, đậu xanh, hạnh nhân, óc chó... đặc biệt là hạnh nhân đều có khả năng giảm thiểu hàm lượng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) trong cơ thể. Mặt khác, chúng còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng có lợi cho tim cũng như sức khỏe tổng thể như protein, vitamin, chất xơ, đặc biệt là axit béo bão hòa omega-3 giúp điều hòa hệ tim mạch, ngăn ngừa các mảng bám hình thành trong thành động mạch, là nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch.
Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, diêm mạch, lúc mạch đen, gạo lứt, ngô, kê... là nguồn cung cấp chất xơ tan tốt, các loại vitamin nhóm B, sắt, axit folic, selen, kali và magie vừa có tác dụng làm đẹp, vừa giúp điều hòa cholesterol máu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
Rau xanh luôn là một thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày giúp ngăn ngừa lão hóa và phòng chống nhiều loại bệnh. Đặc biệt các loại rau họ cải (bông cải, bó xôi...) sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn. Chúng cung cấp chất chống oxy hóa tốt (vitamin C, E và beta carotene - tiền chất vitamin A), giàu chất xơ, ít chất béo xấu và cholesterol. Vì vậy, hãy đa dạng thực đơn hằng ngày với các loại rau nhiều màu sắc.
Cá là nguồn chất đạm quan trọng rất có lợi cho sức khỏe bởi chúng điều hòa lượng chất béo trong cơ thể, giảm cholesterol một cách đáng kể nhờ hàm lượng lớn axit béo bão hòa omega-3. Axit béo omega-3 có tác dụng làm giảm triglyceride máu, cải thiện chức năng động mạch và giảm huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên ăn cá 2-3 lần/tuần như: Cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ…
Một điều quan trọng trong chế độ ăn uống của người bệnh tim là cần giảm lượng chất béo và giảm cholesterol trong máu. Để điều chỉnh được lượng đường trong máu, đốt chất béo hiệu quả và giảm cholesterol, người bệnh cần ăn đúng giờ, đúng bữa, không được bỏ bữa.
Sử dụng dầu thực vật để nấu ăn, hãy lựa chọn các loại dầu có chất béo tốt không bão hòa đơn, ví dụ như dầu ô liu, dầu đậu phộng hoặc chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, ngô và hướng dương. Tuyệt đối không sử dụng các loại dầu thực vật tinh luyện có thành phần dầu cọ, dầu olein.
Hạn chế các loại thịt đỏ, mỡ, nội tạng, thức ăn nhanh, các món chiên, xào, rán… nên ăn cá, thịt nạc và ưu tiên các món luộc, hấp.
Người bệnh tim cũng nên tránh sử dụng những thực phẩm sinh hơi như lòng đỏ trứng, đồ hộp và thức ăn lên men, muối chua.
Rượu, đồ uống có cồn, cà phê có chứa các chất ức chế thần kinh sẽ gây hại trực tiếp lên cơ tim, khiến cho tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.
Thuốc lá chứa nicotin gây kích thích bài tiết epinephrine vào máu khiến tim làm việc mạnh hơn. Từ đó, mạch máu co nhanh gây tăng huyết áp, trương động mạch, tạo cảm giác khó thở, tức ngực, đau ngực cho người bệnh tim mạch.
Nguồn: Báo Thanh niên
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn