HOTLINE

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM SUY TIM

Suy tim là gì?

Suy tim có thể xảy ra khi tim của bạn quá yếu hoặc không thể co bóp để bơm đủ máu cho phần còn lại của cơ thể. 
 

Thuật ngữ suy tim không có nghĩa là tim của bạn đã ngừng đập, mà dùng để chỉ khi tim không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Các triệu chứng của suy tim liên quan đến những thay đổi xảy ra với tim và cơ thể của bạn, có thể ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng, tùy thuộc vào tim của bạn khỏe mạnh hay không. Nguyên nhân gây ra suy tim có thể đến từ các bệnh lý tim mạch thiếu máu: bệnh động mạch vành, bệnh lý van tim hay cấu trúc tim, các bất thường rối loạn chuyển hóa, bệnh lý van tim hoặc huyết áp cao. Suy tim có thể gặp mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, đến trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, nó phổ biến ở những người trên 65 tuổi.

 

 

 

Nguyên nhân dẫn đến suy tim?

Bệnh động mạch vành (CAD): Khi chứng xơ vữa động mạch khiến tim phải bơm máu  mạnh hơn để đẩy máu qua những động mạch hẹp và không nhận được lượng máu cần thiết để hoạt động tốt như bình thường. Theo thời gian, điều này có thể làm cho tim của bạn yếu dần, dẫn đến suy tim. 

 

Nhồi máu cơ tim: Một trong những bệnh lý cấp cứu của tim mạch gây ra triệu chứng đau thắt ngực (hay còn gọi là đau tim): Nếu cục máu đông mắc kẹt trong một trong những động mạch đưa máu đến tim của bạn, nó có thể làm tắc nghẽn dòng chảy của máu và bạn có thể bị đau tim. Nếu không có đủ oxy, phần tim bị tắc nghẽn có thể chết. Tổn thương này làm suy yếu tim và có thể dẫn đến suy tim.

 

Huyết áp cao: Khi máu đẩy vào thành động mạch với nhiều lực hơn bình thường, gây  huyết áp cao. Điều này khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu đi khắp cơ thể, và việc này làm tim to hơn và yếu hơn. Huyết áp cao nếu không được kiểm soát tốt có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần nguy cơ suy tim.

 

Bệnh tiểu đường: Hormone insulin thường di chuyển đường từ máu vào tế bào, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng hoặc dự trữ cho sau này. Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể của bạn không tạo ra đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đủ tốt làm cho lượng đường trong máu tăng cao và làm hỏng động mạch cũng như làm tim yếu đi. Điều đó có thể dẫn đến suy tim. 

 

Chứng ngưng thở lúc ngủ: Khi bạn ngủ, mỗi lần bạn ngưng thở, bộ não của bạn sẽ đánh thức bạn để bắt đầu hoạt động trở lại. Nó có thể liên quan đến rung tâm nhĩ (tim đập nhanh hoặc không đều) và huyết áp cao trong phổi của bạn, có thể dẫn đến suy tim.

 

Béo phì: Béo phì khiến bạn dễ mắc các bệnh liên quan đến suy tim, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.
 

Bệnh cơ tim: Căn bệnh này làm tổn thương cơ tim của bạn và khiến nó yếu đến mức không thể bơm máu như bình thường. Bệnh cơ tim có thể do yếu tố di truyền, hoặc do bệnh động mạch vành, vi rút.

 

Van tim bất thường: Bốn van kiểm soát dòng chảy của máu vào và ra khỏi trái tim giữ cho máu không chảy ngược. Nếu bạn bị bệnh van tim, có thể một trong những van này hoặc nhiều hơn sẽ không hoạt động bình thường. Van tim bất thường có thể do bẩm sinh hoặc có thể do nguyên nhân nào đó làm tổn thương tim của bạn, chẳng hạn như đau tim hoặc nhiễm trùng. 
 

Khi một van không đóng hoặc mở theo cách mà nó cần, tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Một vấn đề về van không được điều trị có thể dẫn đến suy tim.

 

Rượu, Ma túy và Thuốc lá: Một hoặc hai ly rượu mỗi ngày có thể tốt cho tim của bạn, nhưng nhiều hơn thế có thể dẫn đến béo phì, cao huyết áp và suy tim. Các loại ma túy như cocaine, amphetamine và thuốc lắc (MDMA) làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp của bạn. Sử dụng các loại thuốc này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và cuối cùng làm cho tim của bạn bị suy.
 

Hút thuốc cũng gây hại cho tim và làm tăng huyết áp. Các chất hóa học trong khói thuốc lá khiến máu không mang đủ oxy đi khắp cơ thể. Điều đó khiến tim bạn phải hoạt động nhiều hơn. Hút thuốc cũng làm thu hẹp các mạch máu của bạn và làm cho máu của bạn dễ bị đông hơn.

 

Nhận diện các triệu chứng sớm của suy tim

Để giúp các bác sĩ và bệnh nhân nhanh chóng nhận ra một sự kết hợp có thể có của các triệu chứng suy tim, Hội Suy tim Hoa Kỳ đã phát triển một công cụ hữu ích 5 dấu hiệu gồm với từ viết tắt “FACES” 

 

F (Fatigue) = Mệt mỏi: Khi tim không thể bơm đủ máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể, một cảm giác chung là cảm thấy mệt mỏi. Một cảm giác mệt mỏi tất cả các thời gian trong ngày và khó khăn với các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mua sắm, leo cầu thang, mang giỏ đi chợ hoặc đi bộ.

 

A (Activity limitation) = Hạn chế hoạt động: Người bị suy tim thường không thể làm các hoạt động bình thường của họ vì họ trở nên dễ dàng mệt mỏi và khó thở.

 

C (Congestion) = Ứ trệ, sung huyết: Chất lỏng tích tụ trong phổi có thể gây ho, thở khò khè và khó thở dai dẳng. Ho đi kèm chất nhầy màu trắng hoặc máu màu hồng.

 

E (Edema or ankle swelling) = Phù hoặc sưng mắt cá chân: Khi tim không có đủ sức mạnh để bơm máu trở lại từ các chi dưới, chất lỏng có thể tích tụ gây sưng mắt cá chân, chân, đùi và bụng. Dấu hiệu dễ thấy là bạn nhận ra giày trở nên chật chội. Chất lỏng dư thừa cũng có thể gây tăng cân nhanh chóng.
 

S (Shortness of breath) = Khó thở: Khó thở khi hoạt động (thường gặp), khi nghỉ ngơi hoặc trong khi ngủ, có thể đến đột ngột và đánh thức bạn dậy. Bạn thường có khó thở khi nằm trên mặt phẳng và có thể cần phải chống đỡ phần trên cơ thể và kê đầu trên hai chiếc gối. Bạn thường phàn nàn thức dậy mệt mỏi hoặc cảm thấy lo lắng và bồn chồn. Nguyên nhân là do máu “tràn” trong các tĩnh mạch phổi (các mạch mà trả lại máu từ phổi đến tim) bởi vì trái tim không thể theo kịp với các nguồn cung. Điều này làm cho chất lỏng rỉ vào phổi.
 

Chất lỏng ứ trệ trong phổi gây khó khăn hơn khi trao đổi CO2 trong máu để lấy O2 tươi. Nó cũng có thể là khó thở khi nằm xuống vì trọng lực làm chất lỏng từ bên dưới phổi di chuyển lên phần thân trên.

 

Ngoài ra, khi bị suy tim, bạn cũng có thể có cảm giác ăn không ngon, buồn nôn, đầy bụng hoặc đau dạ dày - Đó là do hệ thống tiêu hóa nhận được ít máu, gây ra các vấn đề tiêu hóa. Bạn có thể thấy tim đập nhanh hoặc nhói đau. Những người cao tuổi dễ dàng nhận thấy triệu chứng suy giảm trí nhớ, nhầm lẫn, suy nghĩ chậm chạp… do có sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu, chẳng hạn như natri, gây ra tình trạng trên.

 

Luôn nhớ rằng 5 dấu hiệu cảnh báo trên không đưa ra chẩn đoán xác định suy tim nhưng các dấu hiệu này cảnh báo có thể bị suy tim, cần đến ngay cơ sở y tế và gặp bác sĩ để được tư vấn.

 

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3