HOTLINE

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ EM

Bệnh Tay-Chân-Miệng là một nhiễm trùng gây nên bởi nhóm vi rút đường ruột Enterovirus với các tổn thương miệng và nổi ban da điển hình.

 

Trẻ nhũ nhi và trẻ em nhỏ là những đối tượng dễ mắc bệnh Tay-Chân-Miệng. Ở nước ta, bệnh lưu hành quanh năm nhưng tăng mạnh vào hai thời điểm: tháng 3-5 và tháng 9-12.

 

Triệu chứng của bệnh Tay-Chân-Miệng

  • Sốt
  • Đau họng và khó ăn hoặc uống.
  • Tổn thương ở miệng: Khởi đầu như là những bóng nước nhỏ, về sau phát triển thành các vết loét màu vàng.
  • Các nốt ban đỏ và bóng nước: Có thể xuất hiện ở bàn tay, bàn chân và đôi khi ở mông. Ban đỏ có thể lan rộng toàn thân.

Bệnh thường diễn tiến vài ngày cho đến một tuần.

 

Bệnh Tay-Chân-Miệng có nguy hiểm không?

Bệnh Tay-Chân-Miệng thường không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan. Biến chứng thường gặp là trẻ bị mất nước vì không ăn uống được do đau miệng.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm màng não - vi rút có thể gây nên “viêm màng não” với biểu hiện sốt cao, nhức đầu, cứng gáy và ói. Cần phải phân biệt với viêm màng não do vi khuẩn để có hướng điều trị phù hợp.
  • Viêm não - là 1 biến chứng hiếm gặp của bệnh Tay-Chân-Miệng nhưng rất nghiêm trọng gây nên phù não và liệt, có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Viêm cơ tim - đây cũng là 1 biến chứng rất hiếm gặp nhưng nặng nề của bệnh Tay-Chân-Miệng.

 

Ba mẹ cần làm gì khi trẻ mắc bệnh Tay-Chân-Miệng?

Thăm khám với bác sĩ Nhi khoa: Sau khi được thăm khám với bác sĩ Nhi khoa, phần lớn trẻ em mắc bệnh Tay-Chân-Miệng có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể hẹn tái khám sau 1-2 ngày trong các ngày đầu.

 

Chăm sóc trẻ bị Tay-Chân-Miệng tại nhà: Điều quan trọng là đảm bảo cho trẻ uống đủ dịch trong ngày và giảm đau, hạ sốt.

  • Cho trẻ súc miệng với nước muối có thể giúp giảm đau.
  • Thức ăn: Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm và lạnh, tránh thức ăn nóng hoặc chua (như cam, cà chua)
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol và Ibuprofen (không sử dụng Ibuprofen nếu trẻ bị mất nước)

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị Tay-Chân-Miệng tại nhà, ba mẹ cần chú ý các dấu hiệu nguy hiểm phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay như sau: sốt cao khó hạ, lừ đừ, hay quấy khóc bất thường, nhức đầu, giật mình nhiều, run cơ, yếu chi đi đứng loạng choạng, thở mệt, ói nhiều hay không thể uống đủ nước.

 

 

Phòng ngừa bệnh Tay-Chân-Miệng cho trẻ

Vi rút gây bệnh Tay-Chân-Miệng lan truyền thông qua nước bọt, dịch tiết mũi và phân, cũng như dịch từ các bóng nước trên da. Do đó để hạn chế tối đa việc lan truyền vi rút, cần phải thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh như:

  • Tránh chia sẻ các đồ dùng, ly nước hay tiếp xúc trực tiếp miệng-miệng.
  • Rửa tay kỹ với nước và xà phòng sau khi đi vệ sinh, đặc biệt ở các trường mẫu giáo và trung tâm chăm sóc trẻ.
  • Nên lau chùi thường xuyên tay nắm cửa, mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ để giảm nguy cơ lây truyền bệnh.
  • Trẻ bệnh ho hay hắt xì cũng có thể lan truyền bệnh thông qua các giọt bắn có chứa vi rút Tay-Chân-Miệng nên cần che chắn khi ho, vứt bỏ giấy lau mũi miệng ngay sau khi dùng.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3