HOTLINE

PHÒNG BỆNH COVID BẰNG TỎI VÀ GỪNG SỐNG - CÓ THỰC SỰ HIỆU QUẢ?


Được biết, trào lưu nhét tỏi vào mũi và uống nước gừng để trị cảm và giữ ấm cơ thể bắt nguồn từ tháng 7/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Gần đây, Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại thì các trào lưu này một lần nữa được cư dân mạng áp dụng.

 

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị loét miệng, da nổi sần và đặc biệt là loét mũi vì áp dụng các phương pháp điều trị dân gian để phòng ngừa cảm cúm, Covid-19.

 

Phòng bệnh Covid bằng tỏi và gừng có thực sự hiệu quảPhòng bệnh Covid bằng tỏi và gừng có thực sự hiệu quả

Anh H. (30 tuổi, Q7) đến khám trong tình trạng loét miệng. Qua quá trình thăm khám, anh H. chia sẻ, trong 2 tuần trở lại đây nghe tin Covid-19 quay trở lại, vì sợ bản thân mắc bệnh một lần nữa nên anh nghe lời bạn bè xung quanh ăn và uống nhiều nước gừng để làm ấm cơ thể, ngăn chặn sự xâm nhập của virus gây bệnh. 

 

Hai trường hợp tiếp theo là anh T. (45 tuổi, Huyện Bình Chánh) và chị A. (Q.8) đến khám trong tình trạng mũi bị loét nghiêm trọng. Qua thăm khám, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân loét mũi vì dùng tỏi quá nhiều. Anh T. cho biết: Nghe lời mọi người trên mạng xã hội nói rằng nhét 2 tép tỏi tươi vào mũi khoảng 10-15 phút là có thể ngăn ngừa sự xâm nhập của virus Covid-19 nên anh mới làm theo. Chị A. cho biết thêm: “Xem trên các trang mạng xã hội thấy mọi người dùng tỏi tươi nhét vào mũi sau đó lấy ra thì thấy có dịch chảy ra và nghĩ đây ra dịch do virus và vi khuẩn tạo thành, thấy cũng hay và hiệu quả nên làm thường xuyên, thật không ngờ hành động đó đã làm cho mũi bị loét và chảy máu nghiêm trọng”.

Nhét tỏi vào mũi phòng bệnh covid - cảm cúmNhét tỏi vào mũi phòng bệnh covid - cảm cúm

 

ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương - Giám đốc chuyên môn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Đây là 3 trong rất nhiều trường hợp đến thăm khám tại Bệnh viện trong tình trạng loét mũi, lở miệng nghiêm trọng khi tin lời cư dân mạng sử dụng quá nhiều tỏi và gừng sống để phòng bệnh. Như đã biết, tỏi và gừng là 2 nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi nhà. Bên cạnh việc giúp cho các món ăn trở nên hấp dẫn hơn thì gừng có công dụng làm ấm cơ thể và tỏi có công dụng kháng khuẩn, chống lại những vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài môi trường. Tuy nhiên, tỏi và gừng đều có vị cay và tính nóng, việc lạm dụng quá nhiều tỏi và gừng để điều trị và phòng ngừa bệnh sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe: đau bụng, ợ chua, tiêu chảy, đầy hơi, bỏng miệng, và các biến chứng nghiêm trọng khác.

 

Đặc biệt trong tỏi có hoạt chất Allicin, đây được xem là hoạt chất mạnh và đặc biệt quan trọng, có tác dụng kháng sinh rất tốt. Tuy nhiên, trong củ tỏi sống chỉ tồn tại Alliin (đây là tiền thân của Allicin), chỉ khi chúng ta nghiền hoặc đập nát củ tỏi, kích thích cho enzym alinase hoạt động thì Alliin mới biến thành Allicin. Vì vậy, việc nhét tỏi sống vào mũi sẽ không có tác dụng diệt vi khuẩn mà còn làm cho mũi bị loét nghiêm trọng.

 

Để điều trị và phòng bệnh Covid-19, người dân nên tuân thủ biện pháp 2K (Khẩu trang + Khử khuẩn). Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19, người dân cần thực hiện test nhanh tại nhà. Nếu xét nghiệm dương tính với Covid-19, để ngăn ngừa sự lây lan bệnh cũng như đảm bảo sức khỏe, cần thực hiện:

  • Tự cách ly tại nhà, thông báo cho chính quyền địa phương cũng như những người thân, người đã tiếp xúc kể từ thời gian nghi nhiễm Covid-19.

  • Sống và sinh hoạt trong phòng riêng, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp sát khuẩn để ngăn ngừa lây nhiễm cho người xung quanh.

  • Gọi điện cho bác sĩ, nhân viên y tế địa phương để được tư vấn chăm sóc sức khỏe, dùng thuốc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

  • Theo dõi các triệu chứng bệnh, giữ tinh thần lạc quan, tự cách ly và điều trị, nếu triệu chứng bệnh xấu đi cần được cấp cứu kịp thời.

 

Thông điệp 2K của Bộ Y tếThông điệp 2K của Bộ Y tế

 

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị dân gian cũng có thể áp dụng nhưng với mức độ vừa phải. Các phương pháp dân gian này chỉ là hỗ trợ và không có tác dụng điều trị triệt để. Vì vậy, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn áp dụng song song các phương pháp dân gian và phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3