Mùa hè với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao và đôi khi thay đổi thất thường là cơ hội thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi phát triển, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo số liệu thống kê từ cục an toàn thực phẩm (Bộ y tế) nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 cao hơn so với các tháng khác trong năm.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm:
Chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm, Ths.BS Võ Ngọc Diễm - Bác sĩ Khoa Nội Tổng Hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: Biểu hiện thường thấy của ngộ độc thực phẩm bắt đầu gặp ở đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau quặn bụng từng cơn ở vùng rốn hoặc bụng dưới. Ở một số trường hợp có thể kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, chóng mặt. Đặc biệt, trường hợp nặng sẽ bị mất nước và rối loạn điện giải như khát nước dữ dội, cảm giác miệng khô, tiểu ít và có thể kèm theo triệu chứng đau đầu, thậm chí ngất xỉu.
Với những người có sức đề kháng yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền, người dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch có thể có những biểu hiện nghiêm trọng hơn.
Thông thường thời gian ủ bệnh từ vài giờ sau ăn cho đến 3 ngày trước khi có biểu hiện triệu chứng, tùy thuộc vào loại độc tố. Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo.
Nguyên nhân chính gây ngộ độc bao gồm:
Thực phẩm nhiễm vi sinh vật: Do bảo quản thực phẩm không đúng cách, nấu chưa chín kỹ, để ở nhiệt độ thường quá lâu, thực phẩm bị ô nhiễm bởi ruồi, côn trùng dẫn đến nhiễm vi khuẩn E. coli, Salmonella, ký sinh trùng, giun sán.
Thực phẩm nhiễm độc tố tự nhiên: Do ăn nhầm nấm độc, cá nóc, ốc biển, hoặc chế biến không đúng cách.
Thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại: Do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá liều, chất phụ gia thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Thời tiết thay đổi: Nắng nóng đột ngột chuyển mưa khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi mạnh, đồng thời sức đề kháng của cơ thể giảm sút do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khí hậu tại TPHCM vào mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Nguy cơ ngộ độc cao hơn ở trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch yếu, người ăn uống tại quán ven đường, đồ ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, nấu chín kỹ thực phẩm.
Cần dùng nước sạch để làm lạnh hoặc làm đá.
Nấu chín các loại thực phẩm, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại, chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó bảo quản ở tủ lạnh.
Không giữ thực phẩm quá lâu, kể cả trong tủ lạnh vì sau khoảng 2 ngày, vi khuẩn bắt đầu sản sinh.
Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn, ôi thiu.
Hạn chế ăn đồ sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thức ăn đường phố vì nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển như cá ướp, ủ mắm.
Bổ sung nhóm các loại quả như dưa hấu, dâu tây, bưởi, cam, chanh, quýt, lê, thơm; các loại rau củ cung cấp nước, vitamin, khoáng chất cần thiết, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón như cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, cần tây, rau diếp, cà rốt, bí ngòi, khổ qua, nha đam.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ giúp tăng cường miễn dịch.
BS Võ Ngọc Diễm khuyến cáo khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng,... cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Để nhận được tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, quý khách có thể đặt hẹn nhanh chóng qua hotline 1800 67 67.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn