Ông T.K (67 tuổi, Campuchia) nhiều năm nay bị tiểu khó, tiểu lắt nhắt kéo dài nhưng nghĩ là bệnh tuổi già nên ông đã chịu đựng qua ngày không tìm cách điều trị. Cho đến gần đây việc đi tiểu ngày càng khó khăn, tiểu khó phải rặn, tiểu ngắt quãng nên ông K. đã tìm đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ phát hiện người bệnh có sỏi bàng quang lớn, sau khi nội soi bàng quang chẩn đoán viên sỏi kích thước 60x60mm chiếm trọn lòng bàng quang. Bàng quang bị viêm nặng, kèm theo hẹp niệu đạo và tuyến tiền liệt lớn. Theo các bác sĩ, bình thường sỏi bàng quang kích thước nhỏ có thể tống xuất ra ngoài một cách tự nhiên. Tuy nhiên với trường hợp này, các bác sĩ đã phải mổ khẩn cấp do kích thước viên sỏi quá “khủng” và đường tiểu dưới của bệnh nhân có khả năng tống xuất sỏi kém.
BS.CKII Lê Văn Hiếu Nhân - Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: Với trường hợp của ông K. sau khi tiếp nhận người bệnh được chỉ định phẫu thuật để lấy sỏi bàng quang. Thông thường nếu viên sỏi bàng quang có kích thước dưới 25-30mm thì các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser, viên sỏi sẽ được tán nhỏ ra và các mảnh vụn sẽ được tống xuất qua đường niệu đạo, bệnh nhân không có vết mổ, sau phẫu thuật hầu như không đau và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên ở bệnh nhân này sỏi bàng quang có kích thước “khổng lồ” kèm theo bệnh lý đường tiểu dưới, chỉ định tán sỏi không thể thực hiện được và “phẫu thuật mở bàng quang lấy sỏi” là phương pháp tối ưu để lấy toàn bộ viên sỏi ra ngoài.
Ê kíp phẫu thuật Thận - Tiết niệu - Nam khoa gồm BS.CKII Lê Văn Hiếu Nhân và BS Quách Tuấn Khang kết hợp cùng ekip các bác sĩ gây mê đã thực hiện thành công ca phẫu thuật sau 1 giờ 30 phút căng thẳng. Viên sỏi khổng lồ lấp kín bàng quang cũng được lấy ra trong quá trình phẫu thuật.
Sỏi thận diễn biến âm thầm, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi đi khám. Sỏi thận rơi xuống bàng quang là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh sỏi bàng quang. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
BS Khang cũng cho biết: Để phòng ngừa sỏi bàng quang, người dân cần uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, tránh nhịn tiểu làm ứ đọng nước tiểu kèm theo các chất trong nước tiểu thời gian dài. Vận động đều đặn như tập thể dục, đi bộ, bơi... tránh ngồi hoặc nằm một chỗ thời gian kéo dài. Duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, tránh ăn thức ăn nhiều canxi, giúp giảm sự tích tụ hình thành sỏi.
Sau phẫu thuật, kiểm tra định kỳ 3 đến 6 tháng một lần để tầm soát, phát hiện sớm sỏi đường tiết niệu mới hình thành.
Khi có những dấu hiệu như đau hông lưng, đau bụng dưới, tiểu khó, tiểu gắt buốt, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu... nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, phẫu thuật kịp thời, tránh biến chứng lâu dài. Nếu phát hiện ở thời điểm sỏi có kích thước nhỏ có thể tiến hành tán sỏi nội soi, khả năng phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn