HOTLINE

SỐT Ở TRẺ EM VÀ NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CHA MẸ CẦN LƯU Ý

Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh - phụ trách Phòng khám Nhi tại Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn cho biết: Sốt là một phản ứng bình thường của cơ thể với nhiều tình trạng khác nhau, thường gặp nhất là nhiễm trùng virus (như cảm lạnh thông thường hay cúm) hay vi khuẩn (như viêm họng, viêm tai). Sốt không phải là bệnh, mà là dấu hiệu của cơ thể đang chống chọi với nhiễm trùng.

 

Triệu chứng khi trẻ sốt với nhiệt độ cơ thể trên 38°C (đo hậu môn)

Trẻ có thể:

  • Không khỏe hay nóng khi sờ
  • Khó chịu hoặc quấy khóc nhiều
  • Ngủ nhiều hơn bình thường
  • Ói hay uống kém
  • Run lạnh hay đau

Cách đo nhiệt độ ở trẻ em

Có vài cách khác nhau để đo nhiệt độ ở trẻ, và kết quả có thể thay đổi tùy theo nhiệt kế mà bạn sử dụng:

  • Nhiệt kế đo trán hồng ngoại
  • Nhiệt kế điện tử, thủy ngân đo nách hay dưới lưỡi
  • Nhiệt kế đo tai
  • Nhiệt kế dạng dán đo ở trán (không được khuyên dùng vì không chính xác)

Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh khuyến cáo nên sử dụng nhiệt kế điện tử, đo ở nách hoặc hậu môn. Đo tai có ưu điểm là rất nhanh (khoảng 2 giây), mặc dù không chính xác như đo ở miệng hay hậu môn. Đo nhiệt độ hậu môn rất thích hợp đối với trẻ nhỏ (dưới 3 tháng)

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ dưới 3 tháng và sốt trên 38°C, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng khác, bạn cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

Nếu trẻ suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào và sốt trên 38°C, bạn cần phải đưa trẻ đi khám ngay.

Đối với tất cả các trẻ khác: đưa trẻ đến khám nếu sốt trên 38°C và trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây

  • Cứng cổ hay sợ ánh sáng
  • Ói hay không uống được nước
  • Ban
  • Ngủ nhiều hơn bình thường
  • Thở không bình thường
  • Đau không giảm với các thuốc giảm đau thông thường

Cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu:

  • Trẻ sốt hơn 2 ngày mà không có nguyên nhân rõ ràng
  • Bệnh có vẻ nặng hơn

Điều quan trọng là quan sát hành vi của trẻ. Nếu trẻ ăn uống, ngủ bình thường, và chịu chơi, bạn không cần phải dùng thuốc hạ sốt. Thay vào đó, bạn cần phải theo dõi để xem sốt có giảm hay không.

 

Lời khuyên từ chuyên gia

Những điều bạn NÊN làm:

  • Giữ nhiệt độ phòng trẻ mát vừa phải
  • Mặc áo quần thoáng mát cho trẻ
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hay nước điện giải
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá mức

Những điều KHÔNG NÊN làm:

  • Không sử dụng aspirin để điều trị sốt
  • Không tắm hay lau mát trẻ bằng nước lạnh, có thể gây run và làm nhiệt độ tăng thêm
  • Không lau mát bằng cồn (nguy cơ cồn hấp thu qua da hay hít)

Các thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường:

Paracetamol và ibuprofen có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn nếu trẻ đau đầu hay đau mình mẩy hay sốt

  • Paracetamol: ngoài dạng uống (siro hay viên sủi, gói) còn có dạng viên đặt hậu môn sử dụng trong trường hợp trẻ ói không thể uống được
  • Ibuprofen: siro cho trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ hay dạng viên cho trẻ lớn hơn.

 

Trẻ em ở bất kỳ giai đoạn nào cũng rất dễ mắc phải bệnh lý gây ra tình trạng sốt nhẹ, sốt cao. Trên đây là những kiến thức cơ bản về chăm sóc đúng cách cho trẻ khi bị sốt tại nhà, ngay khi gặp những biểu hiện trở nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp Bác sĩ Nhi khoa để thăm khám và xử lý kịp thời.

 

Với 25 năm kinh nghiệm trong thực hành Nhi khoa, cũng như thời gian tu nghiệp tại Pháp và Mỹ đã giúp Ths.Bs Nguyễn Hữu Lĩnh có được những kinh nghiệm quý báu trong điều trị các bệnh lý Nhi khoa. Bs Lĩnh đặc biệt chú trọng đến sự chăm sóc toàn diện trong thăm khám và điều trị bệnh nhi, bao gồm khả năng giao tiếp và giáo dục cha mẹ đem lại kết quả điều trị tốt cho trẻ.

 

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3