HOTLINE

SỐT XUẤT HUYẾT VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường bùng phát vào mùa mưa. Bệnh có triệu chứng ban đầu khá giống với các bệnh nhiễm virus hay nhiễm khuẩn khác như sốt, mệt mỏi toàn thân, đau đầu nên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Có nhiều trẻ bị nhiễm virus Dengue nhưng không có triệu chứng hay chỉ gây triệu chứng nhẹ, một số khác có thể gây sốt xuất huyết Dengue nặng thậm chí tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Dengue nên việc phòng bệnh là rất quan trọng.

 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hữu Lĩnh - Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

 

Vi rút Dengue có 4 típ gây bệnh được ký hiệu DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ gây bệnh, nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue đến 4 lần.

 

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường dễ bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

 

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành một loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam từ 15/5/2024 và dự kiến sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước từ 9/2024.

 

 

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Khi trẻ SỐT kèm theo 1 hay nhiều hơn các triệu chứng sau:

-        Đau đầu, đau vùng sau hốc mắt, đau cơ, đau xương khớp.

-        Mệt mỏi (Trẻ nhỏ có thể quấy khóc nhiều hơn).

-        Buồn ói, ói.

-        Phát ban.

Các triệu chứng trên có thể nhầm lẫn với các bệnh lý gây sốt khác, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ sốt hay có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue thì ba mẹ cần đưa trẻ đến khám với bác sĩ Nhi khoa.  

 

Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng:

-        Trẻ vật vã, lừ đừ hay li bì

-        Đau bụng

-        Ói nhiều lần

-        Chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu hay có máu trong phân

-        Tiểu ít, chân tay lạnh

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trên đây, cần phải đưa trẻ ĐẾN NGAY bệnh viện. Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo này thường xảy ra ở giai đoạn giảm sốt.

 

 

Cần phải làm gì khi trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue?

Điều trị triệu chứng và đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa, cụ thể:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

  • Uống thêm nhiều dịch như nước, nước điện giải, nước trái cây để đề phòng mất nước.

  • Nếu trẻ đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn. Trẻ lớn hơn thì tiếp tục cho trẻ uống sữa, ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa như súp, cháo. Cho trẻ ăn từng ít một và chia thành nhiều lần.

  • Sử dụng paracetamol mỗi 4-6 giờ kèm lau mát để hạ sốt. Lưu ý KHÔNG SỬ DỤNG ibuprofen, aspirin để hạ sốt cho trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue.

  • Theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo và đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.

  • Tái khám theo lịch hẹn.

 

Phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue

  • Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  • Để phòng chống muỗi đốt, chúng ta cần:

  • Mặc quần áo dài tay.

  • Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.

  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

  • Tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngay khi vắc xin sẵn có).

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế  Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3