HOTLINE

THOÁI HÓA KHỚP HÁNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA

Bài viết chuyên môn từ Bác sĩ CKII Võ Văn Mẫn - Trưởng khoa CTCH- Cột sống Bệnh viện Đa Khoa Nam Sài Gòn.

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý hệ lụy của tuổi già. Tuy không thường xảy ra tại khớp háng nhiều như khớp gối hay các khớp nhỏ khác, nhưng thoái hóa khớp háng vẫn được xếp vào nhóm bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân là do bệnh thường tiến triển chậm, khó phát hiện và có thể gây tàn phế nếu bệnh nhân chủ quan, không được phát hiện bệnh sớm để điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả.

 

 

Giải phẫu và chức năng của khớp háng

Khớp háng được cấu tạo từ một chỏm xương đùi hình cầu và một ổ cối hình chảo từ xương chậu. Hai bộ phận này được viền lớp sụn bao bọc và che phủ, giúp giảm cọ xát khi vận động.

Khớp háng là nơi tiếp giáp giữa xương đùi và xương chậu, đóng vai trò trụ đỡ cho phần thân trên và là điểm trụ trung tâm cho những động tác, cử động của cơ thể. Đồng thời, khớp háng còn hỗ trợ chống đỡ trọng lượng cơ thể và hấp thụ lực tác động lên cơ thể khi đứng hoặc chạy nhảy.

 

Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây nên những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Nếu không có biện pháp điều trị và kiểm soát bệnh tốt ngay từ đầu, thoái hóa có thể gây biến dạng cấu trúc khớp háng dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.

 

 

 

Những đối tượng dễ mắc bệnh?

Khớp háng bị thoái hóa có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp ở những đối tượng như:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới
  • Người có tiền sử bị tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng
  • Người có bệnh sử viêm khớp háng

 

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng

Bên cạnh yếu tố lão hóa, nguyên nhân khớp háng bị thoái hóa còn có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác cao: Khi tuổi càng lớn, tình trạng loãng xương trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng. Điều này lý giải vì sao người cao tuổi dễ bị thoái hóa khớp háng hơn.
  • Chấn thương: Tai nạn lao động, té ngã, chấn thương thể thao… hoặc một số chấn thương khác ở khớp cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng.
  • Thừa cân, béo phì: Người có cân nặng vượt quá mức sẽ tạo lực ép lên khớp háng khiến vị trí này bị quá tải, một thời gian lâu có thể sẽ bị thoái hóa khớp.
  • Do bẩm sinh: Không ít trường hợp ngay từ khi trẻ mới chào đời, cấu tạo khớp háng hoặc xương chân đã dị dạng.
  • Tiền sử bệnh về khớp: Những bệnh nhân có tiền căn mắc các bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, trật khớp háng, viêm khớp do lao… thì nguy cơ khớp háng bị thoái hóa là rất cao.
  • Yếu tố khác: Thoái hóa khớp háng có thể là hệ lụy của một số biến chứng từ nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh gout, đái tháo đường, bệnh huyết sắc tố.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có những yếu tố trên. Ngược lại, một số người bình thường không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào vẫn có khả năng gặp phải vấn đề sức khỏe này.

 

 

Dấu hiệu thoái hóa khớp háng

Hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp đều có triệu chứng đau nhức :

  • Ở giai đoạn sớm: Người bệnh bị đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đôi khi có thể xuống khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi, đau tăng khi cử động hoặc đứng lâu.
  • Giai đoạn sau: Những cơn đau xuất hiện dồn dập vào buổi sáng khi vừa thức dậy và đau mỏi hơn về chiều tối. Cơn đau xuất hiện khi người bệnh đột ngột chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, đau nhiều khi di chuyển.
  • Giai đoạn muộn: Bệnh nhân đau kể cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều vào ban đêm, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa đột ngột.
  • Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mỏi và tê cứng khi vận động hoặc co duỗi khớp háng.
  • Giảm biên độ vận động khớp háng, ảnh hưởng đến các động tác sinh hoạt hằng ngày như ngồi xổm, đi vệ sinh, buộc dây giày,...
  • Xuất hiện những cơn đau nhói mỗi khi vận động xoay người, gập người hoặc dạng háng, khi nghỉ ngơi hết đau.

 

Chẩn đoán thoái hóa khớp háng

Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp háng dựa vào khám lâm sàng trên bệnh nhân và dựa vào hình ảnh học

Khám lâm sàng

  • Dựa vào các triệu chứng, dáng đi, độ dài hai chân
  • Tiền căn
  • Thoái quen sinh hoạt
  • Yếu tố gia đình

Xét nghiệm hình ảnh

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiếp tục đi chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI (tùy trường hợp) nhằm tìm kiếm nguyên nhân khiến người bệnh đau nhức, khó chịu.

 

Điều trị thoái hóa khớp háng

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng:

Điều trị nội khoa

  • Các thuốc giảm đau, chống viêm
  • Giữ cân nặng cơ thể hợp lý
  • Dùng các thiết bị hỗ trợ quá trình di chuyển đồng thời giúp cải thiện chức năng của các khớp như: Nạng, xe tập đi, gậy...
  • Tập vật lý trị liệu: Các bài tập thường có tác dụng giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường sự linh hoạt của các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh hông. Các bài tập được chuyên gia hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân thoái hóa khớp háng 

Điều trị ngoại khoa

Nếu cách điều trị bệnh bằng thuốc không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật nhằm: Cải thiện tình trạng đau nhức khó chịu, nâng cao khả năng hoạt động khớp, giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng.

Các phương pháp đang được áp dụng hiện nay:

  • Cắt bỏ xương để hạn chế hình thành gai xương hoặc biến dạng khớp. Nhờ đó mà bệnh nhân có thể vận động bình thường.
  • Thay một phần khớp háng được tiến hành khi khớp háng chỉ hư một phần và sụn đã bị bào mòn
  • Thay khớp háng toàn phần: được tiến hành để thay khớp nhân tạo có chức năng tương tự như khớp háng tự nhiên.Thường chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng, có triệu chứng đau nhiều và thường là trên 60 tuổi.
  • Tái tạo bề mặt chỏm xương đùi: Trong trường hợp bệnh nhân chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ có thể đề xuất giải pháp tái tạo bề mặt chỏm xương đùi để thay thế. Lúc này, thay vì cắt đi chỏm xương đùi hình cầu, các chuyên gia chỉ loại bỏ bề mặt bị thương tổn và bọc lại bằng một lớp kim loại. Điều này làm cho ma sát giữa chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu giảm bớt, từ đó giúp người bệnh bớt đau. Ngoài ra, toàn bộ xương đùi vẫn được bảo toàn cũng giúp bệnh nhân có cơ hội thực hiện thay khớp háng trong tương lai nếu cần thiết.

Cho đến nay, thay khớp háng là giải pháp khá tối ưu cho căn bệnh này, khi mà các biện pháp điều trị khác không phát huy tác dụng. Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động khi bị thoái hóa khớp háng, tạo thuận lợi cho người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống thường ngày của gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên khi thay khớp háng toàn phần, phần khớp háng nhân tạo không thể hoàn thiện như khớp háng thật của con người, do đó để bảo vệ tốt khớp nhân tạo và phòng ngừa những tai biến có thể xảy ra trước mắt cũng như lâu dài, việc phục hồi chức năng sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Sau khi thực hiện thay khớp háng toàn phần, người bệnh có thể về nhà sau 5 đến 10 ngày, dùng nạng hoặc khung tập đi trong vài tuần. Tập luyện đều đặn sẽ giúp người bệnh nhanh quay trở lại với các hoạt động bình thường. Hầu hết các trường hợp hồi phục hoàn toàn và đa phần phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đều có kết quả tốt.

 

Cách chăm sóc người bệnh

Cần có sự chăm sóc từ người thân để cải thiện hiệu quả điều trị và mau chóng phục hồi. Để giúp đỡ bệnh nhân nâng cao chất lượng sống, người chăm sóc cần:

  • Hiểu rõ về tình trạng bệnh của bệnh nhân để xác định rõ cần giúp đỡ vấn đề gì.
  • Cởi mở, chia sẻ sự quan tâm, chăm sóc của mình đối với bệnh nhân.
  • Động viên bệnh nhân thoái hóa khớp háng duy trì cơ hội tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
  • Hỗ trợ người bệnh uống thuốc đúng giờ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khuyến khích bệnh nhân vận động, tập thể dục với cường độ vừa phải và phù hợp.

 

Phòng ngừa thoái hóa khớp háng

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhằm duy trì khả năng vận động cũng như tính linh hoạt của khớp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng như tim mạch hay đái tháo đường…
  • Lưu ý thay đổi tư thế khi vận động, làm việc để tránh gây thêm áp lực làm tổn thương khớp háng.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh để làm giảm bớt áp lực lên khớp háng, đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa cũng như hạn chế rủi ro biến chứng xảy ra.
  • Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho khớp (cá béo, rau xanh, các loại hạt…) và hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường hoặc muối, rượu bia…

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ NAM SÀI GÒN

 

 

Chuyên gia

VÕ VĂN MẪN
BS.CKII
VÕ VĂN MẪN
Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
  • share1
  • zalo
  • share3