HOTLINE

TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM

Tiêu chảy là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Ở các nước đang phát triển, trẻ em trung bình mắc 3 đợt tiêu chảy mỗi năm. Tiêu chảy xảy ra khi trẻ đi cầu nhiều lần hơn và/hoặc phân lỏng hơn bình thường (3 lần hay hơn trong 24 giờ).

 

Cùng Ths.BS Nguyễn Hữu Lĩnh - Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn tìm hiểu về tiêu chảy ở trẻ em qua bài viết sau: 

 

 

Phân loại: 

Tiêu chảy cấp: dưới 7 ngày.

Tiêu chảy kéo dài: 7-14 ngày.

Tiêu chảy mãn tính: trên 14 ngày.

 

Triệu chứng:

Tiêu chảy có thể phân nước hay phân có máu. Tiêu chảy có thể đi kèm với các triệu chứng sau:

·         Sốt, buồn ói hay ói.

·         Đau bụng, chướng bụng, đau trực tràng.

·         Kém ăn, sụt cân.

Trẻ bị tiêu chảy có nguy cơ bị MẤT NƯỚC. Dấu hiệu mất nước có thể bao gồm:

·         Giảm lượng nước tiểu/số tã ướt.

·         Môi và miệng khô, ít nước mắt khi khóc.

·         Kích thích quấy khóc hoặc li bì, khó đánh thức (nặng).

Cha mẹ có thể theo dõi các dấu hiệu mất nước trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy điều trị tại nhà.

 

Nguyên nhân:

·         Nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em là nhiễm trùng đường ruột (viêm dạ dày ruột cấp tính). Tác nhân gây bệnh có thể do virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng.

·         Tiêu chảy cấp phân nước hay gặp ở những trẻ nhỏ đi nhà trẻ và thường do virus.

·         Tiêu chảy cấp phân máu: tác nhân thường gặp là Shigella (lỵ trực trùng), Entamoeba Histolytica (lỵ a míp). Trẻ bị lỵ phải được điều trị với kháng sinh.

 

Chẩn đoán:

Tiêu chảy cấp do nhiễm trùng ruột (viêm dạ dày-ruột cấp) thường KHÔNG CẦN XÉT NGHIỆM. Soi phân, cấy phân có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy trong một số trường hợp, đặc biệt tiêu chảy cấp phân có máu (cấy phân cần 2-5 ngày mới có kết quả).

 

Điều trị:

·      Bồi phụ nước và điện giải:

Trẻ em tiêu chảy nhẹ có thể điều trị tại nhà với dung dịch bù nước điện giải ORS. Ba mẹ có thể mua các gói ORS tại nhà thuốc và hòa với nước chín theo chỉ dẫn. ORS là dung dịch để bù nước điện giải nếu trẻ có thể uống được và không ói.

 

·      Dinh dưỡng:

 

Mục tiêu của dinh dưỡng trong tiêu chảy là khuyến khích trẻ ăn uống đầy đủ trong và sau đợt tiêu chảy để phòng ngừa suy dinh dưỡng và bệnh ruột mãn tính.

Trẻ bú mẹ cần phải tiếp tục bú mẹ thường xuyên hơn; trẻ uống sữa công thức cần phải được tiếp tục uống sữa bình thường của trẻ và những trẻ lớn hơn phải được cho ăn càng sớm càng tốt ngay khi mất nước đã được điều chỉnh. Trẻ lớn có thể cần tránh các chế phẩm sữa và thức ăn giàu chất béo khi bị tiêu chảy.

·      Thuốc:

  •  Kháng sinh có thể được sử dụng trong một số trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng do vi khuẩn hay ký sinh trùng (như lỵ trực trùng hay lỵ a míp).
  • Probiotics (men tiêu hóa) có thể làm giảm độ nặng triệu chứng tiêu chảy.
  •  Bổ sung kẽm có thể giúp giảm thời gian tiêu chảy.
  •  Các thuốc giảm nhu động ruột (như loperamide) không được khuyên dùng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. 

 

 

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện? 

  • Sốt kéo dài hơn 24-48 giờ, có dấu hiệu mất nước.
  •  Có máu trong phân.
  •  Ói kéo dài 12-24 giờ, không ăn hay uống được nước.
  •  Bụng có vẻ chướng, đau bụng nhiều.

 

Phòng ngừa:

Các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy chính:

·         Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tối thiểu đến lúc bé 12 tháng tuổi.

·         Sử dụng nước và thực phẩm an toàn. Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội.

·         Rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, và trước khi chế biến thức ăn.

·         Chủng ngừa vaccine Rotavirus cho trẻ nhỏ. Vaccine tả uống nên được sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi ở trong những vùng có lưu hành dịch.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3