HOTLINE

VIÊM HỌNG KHI NÀO DÙNG KHÁNG SINH?

Khi thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây bệnh phát sinh không ngừng, kéo theo đó là những bệnh về đường hô hấp trên. Viêm họng là một bệnh rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Rất khó để nhận biết viêm họng là do nguyên nhân gì và điều trị viêm họng có cần dùng kháng sinh không? Chính vì thế bạn nên tìm đến bác sĩ để có lời khuyên chính xác và phù hợp nhất.

Cùng Ths.Bs.CKI Nguyễn Trương Khương tìm hiểu việc dùng kháng sinh đúng cách khi bị viêm họng qua bài viết sau:

VIEM_HONG_KHI_NAO_DUNG_KHANG_SINH_baiviet_1940x958

Viêm họng là gì?

Ths.Bs.CKI Nguyễn Trương Khương - Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: “Viêm họng là một bệnh rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Khoảng hơn hai phần ba các trường hợp viêm họng đều không cần dùng đến kháng sinh. Nhưng trên thực tế hầu hết bệnh nhân đều dùng kháng sinh do có thể tự mua ở nhà thuốc hoặc cũng có thể được kê toa không phù hợp, và cũng không ít bệnh nhân đi khám bệnh vì muốn được uống kháng sinh”. Có thể thấy tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng không đúng cách đang đáng báo động hiện nay.


Nguyên nhân gây viêm họng?

Không phải trường hợp nào cũng cần sử dụng kháng sinh. Trên thực tế điều trị viêm họng dựa vào nguyên nhân và được chia làm 3 nhóm:

Thứ nhất là nhóm nguyên nhân do những yếu tố kích thích, không do nhiễm trùng như: thuốc lá, trào ngược dịch vị từ dạ dày, chảy mũi sau, hoặc do dị ứng với khói bụi, không khí ẩm, lông thú nuôi, vải sợi.

Viêm họng do nhóm nguyên nhân này thường hay lặp đi lặp lại và thường có bệnh sử ợ hơi, ợ chua, viêm dạ dày, hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, hay nuôi thú, tiếp xúc với hóa chất.

Bệnh cũng có thể diễn tiến âm ỉ kéo dài và thường đi đôi với bệnh lý của đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, viêm thanh quản mạn.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân do nhiễm siêu vi trùng (virus), nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 80-90% các trường hợp viêm họng ở người lớn và khoảng 70-80% các trường hợp viêm họng ở trẻ em.

Viêm họng do nhóm nguyên nhân này ngoài triệu chứng đau họng, bệnh nhân thường có một hoặc nhiều triệu chứng sau: mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy mũi, hắt xì, ho, khàn tiếng. Trẻ em thường có thể có các triệu chứng không điển hình như thở miệng, ói, đau bụng hoặc tiêu chảy.

Thứ ba là nhóm nguyên nhân do vi trùng, trong đó vi trùng thường gặp nhất là liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A, nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 5-15% các trường hợp viêm họng ở người lớn, và khoảng 10-30% các trường hợp viêm họng ở trẻ em.

Đặc biệt ở trẻ từ 5-15 tuổi khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A nếu không phát hiện điều trị kịp thời có thể gây bệnh sốt thấp cấp (vi trùng tấn công mô liên kết như tim, gây tổn thương van tim, hoặc khớp, não và da) hoặc bệnh viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu mặc dù ngày nay biến chứng này rất hiếm xảy ra.

Triệu chứng đau họng trong bệnh viêm họng do nhiễm trùng thường xuất hiện đột ngột, không có ho sổ mũi hoặc viêm kết mạc mắt đi kèm, nhưng thường có sưng hạch cổ và sốt cao.

Điều trị viêm họng đúng cách

Với từng nhóm nguyên nhân của viêm họng sẽ có những cách điều trị phù hợp.

Thứ nhất là nhóm nguyên nhân do những yếu tố kích thích, không do nhiễm trùng:

Cách điều trị lý tưởng là điều trị loại bỏ các yếu tố nguyên nhân: điều trị trào ngược, điều trị viêm mũi xoang, làm vệ sinh môi trường sống thật tốt và có chế độ ăn uống phù hợp: tránh các thực phẩm dị ứng, quá nóng, quá lạnh hoặc nhiều chất gia vị.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân do nhiễm siêu vi trùng (virus):

Để điều trị bệnh viêm họng do nhóm nguyên nhân này bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc long đờm giảm ho và kháng histamine giảm chảy mũi. Bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày, đôi khi cũng có những trường hợp nặng kéo dài 10-14 ngày. Nếu sử dụng kháng sinh ở nhóm nguyên nhân này chẳng những không có tác dụng mà rất có thể bị dị ứng thuốc và nguy cơ tạo sự kháng thuốc.

Thứ ba là nhóm nguyên nhân do vi trùng: Đây là nhóm nguyên nhân viêm họng duy nhất cần sử dụng kháng sinh.

Lưu ý: Tuyệt đối không được tự ý ngưng kháng sinh, cần phải sử dụng kháng sinh đúng theo lộ trình bác sĩ đã kê toa, tránh bệnh tái phát hoặc vi trùng kháng thuốc. Sau 2-3 ngày nếu sử dụng mà triệu chứng bệnh đã giảm thì vẫn dùng đủ liều bác sĩ đã kê.

Để chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ sẽ nuôi cấy bệnh phẩm từ phết họng và amidan. Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau khó nhận biết, nên nếu có dấu hiệu viêm họng trở nặng bạn có thể thăm khám để nhận được tư vấn phù hợp.

 
  • share1
  • zalo
  • share3