HOTLINE

Vì sao ong vò vẽ đốt có thể dẫn đến nguy kịch, tử vong

Nọc của ong vò vẽ là một hợp chất có tính axit rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, thận nặng.

Sau khi bị ong vò vẽ đốt hơn 60 vết, bé trai 8 tuổi ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng, nhập viện trong tình trạng khó thở, da ửng đỏ, phù môi, sưng nề, đau dữ dội tại vị trí các vết đốt kèm theo sốc.

Đến nay bé trải qua một tháng điều trị tích cực mới vượt qua giai đoạn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi.

Trước đó, cuối tháng 7, người đàn ông 30 tuổi tại Quảng Nam bị ong vò vẽ đốt được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc phản vệ, ngưng tim, ngưng thở nhưng sau đó đã tử vong.

 

Ong vò vẽ đốt có thể gây sốc phản vệ

Ngày 24.8, bác sĩ Hồ Thanh Lịch - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cho biết nọc của ong vò vẽ là một hợp chất có tính axit rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

 

Biểu hiện ngộ độc nọc ong

Khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, tiêu cơ cấp tính làm tắc ống thận. Ong vò vẽ có tuyến giáp chứa độc tố, gây ra cảm giác đau và sưng tại vị trí bị đốt. Các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng. Có trường hợp chỉ một vết đốt cũng bị tiêu cơ vân cấp hoặc sốc phản vệ. Đôi khi, người bị dị ứng có thể gặp phản ứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ khi bị ong đốt bao gồm phát ban, ngứa và da ửng đỏ hoặc tái nhợt, khó thở, cổ họng và lưỡi sưng phồng, mạch đập nhanh và yếu; buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy; chóng mặt hoặc ngất xỉu; mất ý thức. Khi có một trong các dấu hiệu trên cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

 

Các biện pháp phòng ngừa ong đốt

Để tránh bị ong vò vẽ đốt, bác sĩ Lịch khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa sau đây:

Tránh xâm phạm tổ ong, đặc biệt là tổ ong vò vẽ, để không bị tấn công.

Sử dụng quần áo bảo vệ: Khi bạn làm việc ngoài trời trong các khu vực có thể có nhiều ong, hãy mặc quần áo bảo vệ như áo khoác dài, mũ và găng tay để giảm nguy cơ bị ong đốt.

Quan sát trước khi hoạt động: Trước khi bắt tay vào công việc ngoài trời, hãy kiểm tra kỹ khu vực xung quanh để đảm bảo không có tổ ong hoặc hoạt động của chúng.

"Khi đi vào rừng, đi dã ngoại hoặc đến nơi có nhiều cây cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt vì sẽ thu hút ong. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín", bác sĩ Lịch khuyến cáo.

 

Nguồn: Báo Thanh niên

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3