HOTLINE

VIÊM THANH QUẢN - NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Thanh quản là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát ra âm thanh, ngoài ra thanh quản còn tham gia vào quá trình hô hấp và có chức năng bảo vệ đường hô hấp dưới khỏi tác động từ bên ngoài. Khi bộ phận này bị viêm có thể gây ra những tình trạng như đau họng, khàn tiếng hay thậm chí là tắt tiếng và thường bị nhầm lẫn với bệnh lý viêm họng. 

 

Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này qua bài viết được tham khảo chuyên môn từ ThS.BS.CKII. Lê Nhật Vinh - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Phụ trách liên chuyên khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn sau đây.

 

 

 

1. Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm khiến âm thanh đi qua cổ họng biến dạng, giọng khàn và mất giọng. 

 

Viêm thanh quản có thể diễn ra trong thời gian ngắn dưới 3 tuần (viêm thanh quản cấp tính) hoặc kéo dài trên 3 tuần (viêm thanh quản mãn tính). Tình trạng viêm thanh quản mãn tính có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn như teo hoàn toàn hoặc một phần niêm mạc thanh quản, quá sản hoặc loạn sản niêm mạc.

 

2. Nguyên nhân gây ra viêm thanh quản

- Viêm thanh quản cấp tính:

Viêm thanh quản cấp tính thường do lạm dụng dây thanh quản quá mức hoặc do dây thanh quản bị nhiễm trùng xuất phát từ những nguyên nhân như:

  • Nhiễm vi khuẩn hoặc virus.

  • Sau khi người bệnh mắc viêm đường hô hấp: viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm VA ở trẻ em.

  • Dùng giọng một cách quá nhiều hoặc gắng sức như la hét, hát to, nói nhiều.

  • Sử dụng nhiều rượu bia.

 

Viêm thanh quản mãn tính:

Viêm thanh quản mạn tính xảy ra do thanh quản tiếp xúc thời gian dài với các chất gây kích ứng như:

  • Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại hoặc chất gây dị ứng.

  • Trào ngược axit từ dạ dày.

  • Viêm mũi xoang thường xuyên.

  • Hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc.

  • Lạm dụng giọng nói.

  • Bội nhiễm nấm do sử dụng thường xuyên thuốc hít điều trị hen suyễn.

 

 

3. Triệu chứng của bệnh viêm thanh quản

 

Thông thường, viêm thanh quản sẽ tự khỏi sau 2 đến 3 tuần với các biểu hiện thường gặp như: giọng nói khàn khàn, nói hụt hơi, yếu giọng không ra tiếng, thỉnh thoảng có tình trạng mất giọng hẳn, những cơn ho khó chịu (không biến mất mặc dù uống thuốc ho), vướng họng, khó nuốt.

 

Vậy khi nào người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám?

  • Nếu giọng bị khàn kéo dài hơn 2 tuần và dường như không cải thiện.

  • Sốt trên 38.5 độ C.

  • Tình trạng khó thở cần phải nghiêng người về phía trước để thở hoặc khi thở phát ra âm thanh khò khè, tiếng rít lớn.

  • Tiết ra nhiều nước bọt, chảy dãi nhiều hơn. 

  • Giọng nói của người bệnh như bị bóp nghẹt. 

 

4. Phương pháp điều trị viêm thanh quản

Tùy thuộc vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

- Viêm thanh quản do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng nhẹ thì có thể không cần điều trị, người bệnh chỉ cần được chăm sóc tại nhà bằng cách: 

  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng.

  • Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn.

  • Tránh ở trong môi trường không khí khô, khói, bụi, khói thuốc lá.

  • Hạn chế nói nhiều, nói to, nói liên tục.

- Điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh và kháng viêm với những trường hợp viêm thanh quản do vi khuẩn hoặc trường hợp nặng gây sưng tấy thanh quản.

- Điều trị các bệnh lý gây viêm thanh quản như trào ngược dạ dày, viêm xoang… 

 

5. Các phương pháp phòng ngừa viêm thanh quản

Để phòng ngừa bệnh viêm thanh quản, người bệnh nên thực hiện các biện pháp bao gồm:

  • Sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây để gia tăng sức đề kháng cho cơ thể. 

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

  • Rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.

  • Tránh đến những chỗ đông người, tránh tiếp xúc với người nhiễm siêu vi.

  • Không ăn khuya hoặc sử dụng các loại thực phẩm chua, cay để tránh trào ngược dạ dày.

  • Tránh xa khói thuốc lá và các chất chứa cafein.

  • Hạn chế nói to, nói nhiều, nói liên tục hoặc la hét.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 
  • share1
  • zalo
  • share3