Ù tai là hiện tượng người bệnh nghe thấy tiếng ồn bên trong tai mà không phải do nguồn âm thanh bên ngoài gây ra, tạo cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là một tình trạng thường gặp ở nhiều người, việc hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh lý.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh - Phụ trách Liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ù tai
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng ù tai nhưng phổ biến bao gồm:
- Do tuổi tác: Người già trên 60 tuổi, sự lão hóa ảnh hưởng tới cơ quan thính giác.
- Tiếng ồn lớn: Khi tiếp xúc với những tiếng động lớn hoặc đeo tai nghe trong thời gian dài sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tai.
- Xương tai thay đổi: Sự thay đổi của phần xương cứng trong tai tác động đến cơ quan thính giác, gây nên chứng ù tai. Rối loạn chuyển hóa gây xốp xơ tai cứng khớp hệ thống xương con, làm cho hệ thống này không rung động, cản trở sự dẫn truyền âm thanh.
- Ráy tai: Tình trạng có quá nhiều ráy tai sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ống tai ngoài, gây ra chứng ù tai.
- Tai có dịch hoặc bị nhiễm trùng.
- Dùng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Tuy nhiên, ù tai còn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác, có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Bệnh Meniere: Chứng ù tai có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh Meniere.
- Rối loạn khớp thái dương hàm: Các vấn đề với khớp thái dương hàm, khớp ở hai bên đầu trước tai, nơi xương hàm dưới gặp sọ, có thể gây ù tai.
- Chấn thương đầu hoặc chấn thương cổ: Chấn thương đầu hoặc cổ có thể ảnh hưởng đến tai trong, dây thần kinh thính giác hoặc chức năng não liên quan đến thính giác.
- U thần kinh âm thanh: Khối u thần kinh âm thanh là khối u lành tính, phát triển trên dây thần kinh sọ chạy từ não đến tai trong, kiểm soát sự cân bằng và thính giác. Còn được gọi là schwannoma tiền đình, tình trạng này thường gây ra chứng ù tai chỉ ở một tai.
- Rối loạn chức năng ống Eustachian: Ống Eustachian là ống trong tai nối giữa tai giữa với cổ họng trên, vì một lý do nào đó gây rối loạn chức năng của ống dẫn đến tình trạng ù tai.
- Rối loạn mạch máu liên quan đến ù tai: Xơ vữa động mạch, khối u đầu và cổ, huyết áp cao, hẹp mạch máu cấp máu cho vùng đầu mặt cổ, dị tật mạch máu, phình động mạch…
- Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng ù tai, liều của các loại thuốc này càng cao thì chứng ù tai càng nặng: một số nhóm kháng sinh, thuốc trị ung thư, thuốc lợi tiểu, thuốc quinine, một số thuốc chống trầm cảm, aspirin dùng với liều cao…
Do đó, nếu ù tai không rõ nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng ù tai
Người bị ù tai thường cảm nhận được nhiều loại âm thanh khác nhau trong tai như tiếng huýt sáo, tiếng ve kêu, tiếng chuông, tiếng sóng biển, tiếng nước chảy… gây mất tập trung và cản trở khả năng lắng nghe, đi kèm theo đó là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Người bệnh có thể bị ù tai một bên hoặc cả hai bên cùng một lúc và sẽ cảm nhận rõ tình trạng ù tai của mình vào những lúc yên tĩnh hoặc khi về đêm.
Ù tai ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Hầu hết, ù tai chỉ gây cảm giác khó chịu, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên đến cơ sở ý tế để được thăm khám và điều trị khi tình trạng bệnh có những triệu chứng sau:
- Thường xuyên ù tai.
- Ù tai kéo dài hoặc ngày càng nghiêm trọng.
- Ù tai ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự tập trung.
- Ù tai kèm theo sự căng thẳng, lo lắng.
- Tiếng ù tai theo tiếng mạch đập.
- Ù tai sau chấn thương đầu.
- Ù tai kèm theo các triệu chứng nghe và tiền đình khác (nghe kém, áp lực tai, chóng mặt).
Phương pháp chẩn đoán tình trạng ù tai
Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng ù tai dựa trên những triệu chứng của người bệnh, kết hợp với khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó, khám lâm sàng bao gồm khám tai - thần kinh toàn diện và đánh giá chức năng của tai, khám cận lâm sàng gồm có chụp CT Scan xương thái dương, chụp MRI não và các bài kiểm tra thính lực (ABR, ASSR, phản xạ cơ bàn đạp…).
Phương pháp điều trị ù tai
Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh. Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định nhằm điều trị các trường hợp do cơ học hoặc có khối u trong não. Người bệnh sẽ điều trị nội khoa theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm sự khó chịu hoặc loại bỏ cơ chế bệnh sinh gây ra tiếng ù.
Cách phòng ngừa tình trạng ù tai
Để có thể phòng ngừa tình trạng ù tai, người bệnh nên:
- Khi sử dụng tai nghe, không nên mở âm lượng quá to hoặc nghe trong thời gian quá dài.
- Hạn chế sử dụng sản phẩm chứa caffeine, nicotine như rượu, thuốc lá, tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Các chất kích thích làm giảm lưu thông máu đến cấu trúc tai cũng là nguyên nhân gây ù tai.
- Sử dụng các dụng cụ bảo vệ thính giác khi ở trong môi trường có tiếng ồn lớn.
- Chăm sóc sức khỏe tim mạch.
- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu.
Ù tai gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, vì vậy chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh thích hợp như tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, tránh môi trường ồn ào, xây dựng lối sống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, khi gặp một trong những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn