HOTLINE

Bệnh lao phổi - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Theo báo cáo của WHO, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca mắc lao mới, tuy nhiên mới phát hiện và đưa vào điều trị được khoảng trên 4.000 ca. Căn bệnh này cũng khiến khoảng 14.200 người tử vong mỗi năm.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lao phổi và bệnh có những dấu hiệu nhận biết nào? Hãy tìm hiểu qua bài chia sẻ từ BS Hà Tấn Lộc - Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

 

Bệnh Lao phổi là gì?

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên tại phổi của người bệnh. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn lao có tên khoa học Mycobacterium tuberculosis, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ và lây cho người tiếp xúc gần. Bệnh có khả năng lây lan mạnh trong thời gian chưa điều trị. 


Nguyên nhân bị lao phổi

  • Do vi khuẩn gây bệnh lao chủ yếu là vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Vi khuẩn lao thường lây lan qua đường hô hấp nên những người tiếp xúc với người bệnh càng nhiều thời gian và càng trực tiếp thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao.
  • Người bệnh lao phổi khi ho, khạc, hắt hơi sẽ làm bắn ra môi trường xung quanh những hạt nước bọt có chứa vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể đi từ phổi qua đường máu hay bạch huyết và gây bệnh.
  • Người bệnh đang mắc bệnh như đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, nhiễm HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già, dùng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài (bệnh khớp, bệnh hệ thống)… do sức đề kháng suy giảm làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Ngoài ra, người bình thường cũng có nguy cơ lây nhiễm lao và mắc lao phổi từ những thói quen không tốt hằng ngày như không đeo khẩu trang trong môi trường ô nhiễm; uống rượu; hút thuốc lá, thuốc lào; thức khuya, mất ngủ;...

Người bệnh lao phổi thường ho khan, ho có đờm kéo dài.

 

Triệu chứng nhận biết bệnh lao phổi

Các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh nếu kéo dài và không được điều trị đúng cách. Khi có triệu chứng bệnh lao phổi điển hình thường gặp dưới đây, mọi người nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời:

  • Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)
  • Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở
  • Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
  • Đổ mồ hôi trộm nhiều về ban đêm
  • Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều
  • Chán ăn, gầy sút

Tiêm Vắc xin lao là biện pháp tối ưu và hiệu quả để phòng bệnh.

 

Biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi

Có thể áp dụng một số biện pháp sau để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao phổi:

  • Tiêm BCG để phòng chống lao.
  • Khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi cần đeo khẩu trang.
  • Khi hắt hơi cần che miệng, sau đó rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
  • Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người…
  • Người bệnh phải đeo khẩu trang, đặc biệt khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.
  • Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá
  • Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 
  • share1
  • zalo
  • share3