Buồn nôn, nôn là triệu chứng ai cũng có thể gặp và thường do các rối loạn tiêu hóa thoáng qua, nhưng cũng có trường hợp buồn nôn đến từ những nguyên nhân khó xác định hơn hay thậm chí báo hiệu những bệnh lý nguy hiểm. Nôn nhiều trong ngày dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải hay nôn ra máu kèm theo các triệu chứng không thể giải thích được như gầy sút, khó nuốt, người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ.
Vừa qua, chị T. 37 tuổi, ở TPHCM, đến khám với triệu chứng nôn sau ăn kéo dài. Chị T. cho biết gần đây sau mỗi bữa ăn luôn xuất hiện những cơn đau thượng vị, buồn nôn sau đó nôn gần hết thức ăn, chị nôn nhiều đến mức bị đỏ hết mặt và xuất huyết trên cổ, tình trạng này kéo dài khiến chị mệt mỏi, không dám ăn uống. Nhận thấy cơ thể suy sụp, chị T. đã đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Sau khi thực hiện nội soi, kết quả cho thấy niêm mạc ống môn vị có chỗ nhô lên như bị u phía ngoài đè vào; X-quang dạ dày cho thấy môn vị có mảng cố định qua nhiều film, CT scan bụng có hình ảnh dày thành môn vị; siêu âm nội soi qua thực quản xác định u dưới niêm ống môn vị làm tắc sự lưu thông thức ăn và dịch vị từ dạ dày xuống ruột non. Bên cạnh đó chị T. cũng được phát hiện dương tính với vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) gây ra viêm loét dạ dày-tá tràng. Đây cũng là lý do khiến cho việc ăn uống của chị khó khăn.
BS.CKII Võ Đăng Sơn - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn chia sẻ: Hẹp môn vị là hội chứng do nhiều bệnh khác nhau như loét xơ chai môn vị, tá tràng, ung thư hang vị và trường hợp u dưới niêm ống môn vị như vừa mô tả trên có biểu hiện chung là thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Bệnh diễn biến mạn tính làm cho người bệnh gầy sút, suy kiệt do bị rối loạn nước và điện giải, thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
Ngày nay, không ít người trẻ mắc các bệnh lý về tiêu hóa trong đó có cả ung thư với tỷ lệ ngày càng gia tăng, chị T. là một ví dụ.
Dấu hiệu nhận biết hẹp môn vị:
Triệu chứng của bệnh lý hẹp môn vị rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng bệnh lý tiêu hóa khác, tuy nhiên triệu chứng bệnh sẽ kéo dài và ngày càng nghiêm trọng không thể cải thiện bằng các biện pháp thông thường. Xuất hiện với nhiều cơn đau nhói do co thắt dạ dày quá mức để cố đẩy thức ăn và dịch vị đã tiêu hóa xuống ruột non.
Giai đoạn sớm, lưu thông chưa bị tắc hoàn toàn mà chỉ bị cản trở, có các dấu hiệu:
Ăn nhanh no: Đầy hoặc nặng vùng thượng vị sau các bữa ăn
Nôn: Nôn sau khi ăn một vài giờ, nôn ra thức ăn. Đau vùng trên rốn, đau dội lên sau bữa ăn, nếu nôn ra được thì bớt đau. Nôn ngay sau bữa ăn, nôn ra thức ăn vừa ăn xong.
Sụt cân.
Giai đoạn muộn, lưu thông qua môn vị bị ngưng trệ hoàn toàn, các triệu chứng nặng hơn gồm:
Đau liên tục và luôn có cảm giác chướng bụng.
Nôn ra thức ăn của ngày hôm trước, nôn được thì dễ chịu, nôn ra nước ứ đọng của dạ dày màu xanh đen, có khi bệnh nhân phải móc họng để nôn.
Điều trị hẹp môn vị
Chị T. đã được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bán phần dưới dạ dày. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, ekip khoa Ngoại Tổng hợp đã thành công loại bỏ được tổn thương, dạ dày còn lại được nối với đoạn đầu ruột non.
Sau phẫu thuật, người bệnh ổn, ăn uống khá hơn, không nôn, ra viện 1 tuần sau mổ. So với phương pháp mổ mở truyền thống, phẫu thuật nội soi giúp người bệnh phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn.
Chị T. cho biết, chị cảm thấy may mắn vì mình phát hiện đúng bệnh và được điều trị tận tình từ đội ngũ y bác sĩ.
BS Sơn cũng khuyến cáo người có triệu chứng đau thượng vị, buồn nôn, khó nuốt, nuốt đau nên đến cơ sở y tế có đủ điều kiện để khám, nội soi kiểm tra nhằm phát hiện và điều trị sớm các tổn thương. Nhờ đó người bệnh có thể tránh được các hậu quả nặng nề do bệnh tiến triển hoặc ở giai đoạn muộn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn