HOTLINE

CÁC BIỂU HIỆN THƯỜNG GẶP VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH HEN SUYỄN

Hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là bệnh lý của đường hô hấp. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Nếu bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể ảnh hưởng tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cùng tìm hiểu về các biểu hiện và phương pháp điều trị bệnh hen suyễn qua chia sẻ của BS Hà Tấn Lộc - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn

Hiện nay, nguyên nhân gây hen suyễn chưa rõ nhưng theo nghiên cứu, hen suyễn có thể là do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và gen di truyền. Phản ứng của cơ thể trước các yếu tố khởi phát dẫn đến các bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản.

Tác nhân gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng người bệnh, bao gồm:

- Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus.

- Không khí lạnh.

- Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí.

- Xúc cảm mạnh, stress.

- Tập luyện thể lực.

- Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen.

- Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu.

- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Biểu hiện thường gặp ở người mắc bệnh hen suyễn

Một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn đó là lên cơn hen, bao gồm các triệu chứng như: khó thở cơn chậm, thở ra tiếng khò khè, thường xảy ra ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu báo hiệu bệnh như hắt hơi, sổ mũi, tức ngực, ho khan, cơn nặng hơn phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục. Gần hết cơn khó thở giảm dần và ho khạc đờm trong, dính quánh.

Khi lên cơn hen người bệnh thường: hắt hơi, sổ mũi, tức ngực, ho khan,...

Khi bệnh diễn biến nặng hơn, tần suất xuất hiện của các cơn hen suyễn dày đặc hơn, triệu chứng khó thở trở nên nặng hơn bệnh nhân cần đến cơ sở y tế kịp thời tránh đe dọa tính mạng.

Phương pháp điều trị hen suyễn

Mục tiêu trong điều trị hen suyễn là ngăn ngừa đợt cấp và kiểm soát triệu chứng:

1. Kiểm soát triệu chứng bằng thuốc:

- Sử dụng corticoid dạng phun hít để giảm viêm và sưng trong đường hô hấp.

- Kết hợp với thuốc kích thích beta giao cảm kéo dài để làm giảm các đợt hen cấp nặng.

- Thuốc cắt cơn hen nên được sẵn sàng để phòng ngừa và xử lý cơn hen bất ngờ.

2. Kiểm soát đợt cấp:

- Chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn hen: Điều này giúp người mắc bệnh sẵn sàng xử lý cơn hen khi cần.

3. Sử dụng thuốc từ thảo dược lành tính: hỗ trợ kiểm soát triệu chứng hen suyễn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh hen suyễn

- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi, lông động vật, phấn hoa…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà.

- Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.

- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

- Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm non-steroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.

- Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu; đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.

Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi, lông động vật, phấn hoa….

Lưu ý đến việc tăng tần suất sử dụng các thuốc hít cắt cơn nhanh vì dấu hiệu này có nghĩa là bệnh lý hen suyễn ở người bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3