HOTLINE

Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và nhiễm trùng bàn chân cắt cụt.

 


 

Đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt có thể gây biến chứng lên mạch máu và thần kinh. Điều này dẫn đến rối loạn cảm giác và thiếu máu đến nuôi chân. Khi có biến chứng thần kinh, người bệnh thường giảm cảm giác đau và khó nhận ra các vết thương, vết trầy xước, nên thường đến khám khi tình trạng nhiễm trùng đã nặng và có nguy cơ phải đoạn chi. Việc thường xuyên chăm sóc, kiểm tra bàn chân giúp bệnh nhân và người nhà phát hiện sớm các thương tổn ở chân và giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng bàn chân.

 

BS.CKI Trần Huyền Trâm - chuyên khoa Nội tiết - Da liễu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: “Bàn chân tiểu đường” là một thuật ngữ để chỉ những tình trạng tổn thương bàn chân trên bệnh nhân đái tháo đường. Những tổn thương này bao gồm các vết loét, viêm nhiễm, viêm da, biến dạng chân và nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến đoạn chi. Bàn chân đái tháo đường thường xuất hiện khi tiểu đường không kiểm soát tốt, dẫn đến  các tổn thương cho hệ thần kinh và hệ mạch máu ở chân. Tuy nhiên, hầu hết các tổn thương này đều có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nếu người bệnh biết cách chăm sóc và kiểm tra bàn chân. 

 

Chăm sóc bàn chân tiểu đường:

BS.Trâm đưa ra hướng dẫn chăm sóc bàn chân tiểu đường đúng cách như sau: 

 

 

Thực hiện vệ sinh hàng ngày: Rửa chân bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, sau đó lau khô kỹ càng, đặc biệt là giữ khô giữa các ngón chân. Hạn chế ngâm chân trong nước lâu và tránh sử dụng nước nóng. Trên những bệnh nhân bị giảm cảm giác chân, cần kiểm tra nhiệt độ nước trước khi rửa chân. Tuyệt đối, không được chà sát mạnh sẽ làm tổn thương lên da.

 

 

Dưỡng ẩm: Nên dùng kem dưỡng ẩm để làm mềm và giữ ẩm da chân. Tuy nhiên, tránh dùng kem dưỡng ẩm ở các kẽ ngón chân. 

 

 

Cắt móng chân đúng cách: Cắt móng chân ngang và không để móng chân quá dài. Tránh cắt quá sát vào da và không nên lấy khóe móng chân vì có thể gây tổn thương ngón chân.

 

 

Kiểm tra chân thường xuyên: Kiểm tra chân hàng ngày để phát hiện các vết thương, tổn thương hoặc vết loét sớm. Chọn nơi có nhiều ánh sáng, có thể sử dụng gương để xem lòng bàn chân. Ở những vị trí bàn chân khó có thể nhìn thấy hoặc mắt người bệnh yếu thì cần nhờ người thân kiểm tra giúp. Nếu có bất kỳ vấn đề nào, hãy đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

 

 

Mang giày phù hợp: Chọn giày thoải mái, không gây cọ sát hoặc chèn ép vào chân. Hạn chế mang giày cao gót hoặc giày chật. Có thể mang giày lớn hơn 1-2 size chân. Kiểm tra giày dép cẩn thận xem có dị vật bên trong hay không trước khi mang vào chân.

 

 

Hạn chế tổn thương: Không đi chân trần trên sàn gạch hoặc nền nhà cứng. Nên mang dép kể cả đi trong nhà.

 

 

Kiểm soát đường huyết: Đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định để giảm nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu. Tuân thủ chế độ ăn uống, tập thể dục và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết. 
 

 

Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu ở chân nhiều hơn.

 

 

Quản lý lưu thông máu tốt: Cử động xoay bàn chân, mắt cá chân và lắc lư các ngón chân 2 - 3 lần/1 ngày, mỗi lần tối thiểu 5 phút. Người bệnh không ngồi vắt chéo chân ở bắp đùi hay vắt chéo ngay cổ chân làm chèn mạch máu, quá trình lưu thông máu bị hạn chế.

 

 

Thực hiện kiểm tra định kỳ: Thăm khám chân bởi bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào và nhận hướng dẫn chăm sóc chuyên nghiệp.

 

Những dấu hiệu của bàn chân tiểu đường mà bạn cần tới bệnh viện ngay:

Khi kiểm tra bàn chân hàng ngày, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường nào dưới đây bạn cần tới bệnh viện ngay: 

  • Vết thương không lành hoặc lâu lành, sưng tấy nhiều hoặc chảy dịch mủ hôi.
  • Vết thương chân kèm triệu chứng sốt, ớn lạnh.
  • Đau và sưng hoặc có cảm giác đau nhức không rõ nguyên nhân trong chân.
  • Mất cảm giác hoặc giảm cảm giác ở chân, mất khả năng cảm nhận nhiệt độ.
  • Màu da thay đổi như xanh tím, đỏ, hoặc da vùng chân dày, nhiều vết chai.
  • Chân có mùi hôi nhiều.
  • Móng chân dày và vàng hoặc móng mọc ngược.
  • Bàn chân bị thay đổi hình dạng.
  • Đau ở chân hoặc bị chuột rút ở mông, đùi hoặc bắp chân khi tập thể dục.
  • Nhiễm nấm ở da chân và ở kẽ ngón chân.

 

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tếBảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

 

 
  • share1
  • zalo
  • share3